Bạo lực đột ngột leo thang trở lại ở miền Nam Thái Lan theo sau một loạt vụ tấn công đẫm máu những ngày gần đây.
Mới nhất là vụ một nhóm 10 tay súng chưa rõ danh tính tấn công một ngôi chùa ở quận Sungai Padi thuộc tỉnh Narathiwat, sát hại 2 nhà sư và làm bị thương 2 người khác vào tối 18-1 (giờ địa phương). Cảnh sát cho biết hung thủ vẫn chưa sa lưới. Theo Reuters, đây là vụ sát hại nhà sư đầu tiên tại khu vực bất ổn này trong hơn 3 năm qua.
Vẫn chưa có ai lên tiếng nhận trách nhiệm, tương tự hầu hết vụ bạo lực xảy ra ở khu vực. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha và các lãnh đạo tôn giáo đã lên án vụ tấn công mới nhất nói trên. Phát ngôn viên chính phủ Buddhipongse Punnakanta cho biết Thủ tướng Prayut ra lệnh các quan chức điều tra và truy bắt hung thủ để đưa ra xét xử.
Vụ tấn công trên khép lại một ngày bạo lực ở tỉnh Narathiwat, nơi chứng kiến cuộc nổi dậy chống chính quyền lâu nay. Trước đó, theo báo Bangkok Post, một phần tử nổi dậy bị tiêu diệt trong vụ nổ súng gần một trường học ở quận Chanae, khiến học sinh hoảng loạn và được cho về nhà sớm. Còn tại quận Sungai Padi xảy ra 2 vụ nổ bom khiến 5 nhân viên an ninh bị thương
Lực lượng an ninh tại hiện trường vụ tấn công nhắm vào 1 ngôi chùa ở Narathiwat - Thái Lan hôm 19-1 Ảnh: REUTERS |
Cũng trong ngày 18-1, 2 cảnh sát bị thương trong một vụ nổ bom trong lúc bảo vệ một tuyến đường được giáo viên sử dụng để đến trường học tại quận Nong Chik thuộc tỉnh Pattani. Trước đó, 4 người thiệt mạng trong vụ tấn công của phiến quân nhằm vào một ngôi trường ở tỉnh này hôm 10-1. Nạn nhân là những tình nguyện viên thuộc đội tự vệ của nhà trường. Đến ngày 12-1, cảnh sát tiêu diệt 2 phần tử nổi dậy bị nghi liên quan đến vụ tấn công này.
Đáng chú ý là tỉnh Songkhla gần đó cũng bắt đầu chứng kiến bạo lực bùng phát trong vài tuần trở lại đây. Mới nhất là 2 vụ đánh bom hôm 8-1 khiến 3 người bị thương, bao gồm một học sinh 12 tuổi.
Thái Lan là quốc gia có phần lớn người dân theo đạo Phật nhưng người Malay Hồi giáo lại chiếm đa số tại 3 tỉnh Pattani, Yala, Narathiwat ở miền Nam. Một cuộc nổi dậy đòi ly khai của người Malay Hồi giáo đã kéo dài tại khu vực này hơn 15 năm qua, khiến hơn 6.900 người thiệt mạng và 13.000 người bị thương - theo số liệu của nhóm giám sát độc lập Deep South Watch.
Kể từ năm 2015, chính phủ Thái Lan đã tham gia các cuộc đàm phán do Malaysia làm trung gian với một số nhóm nổi dậy trong nỗ lực chấm dứt bạo lực. Tuy nhiên, nhóm Barisan Revolusi Nasional (BRN) - nhóm nổi dậy hàng đầu tại khu vực - vẫn không chịu tham gia đối thoại. Quá trình đàm phán bị đình trệ vào năm ngoái và Bangkok tỏ ý sẽ nối lại đối thoại trong năm nay.
Con số thương vong trong các vụ tấn công ở miền Nam Thái Lan đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm ngoái do nhà chức trách siết chặt an ninh. Dù vậy, bạo lực bùng phát trở lại trong những ngày đầu năm mới làm gia tăng nỗi lo về các mục tiêu mềm như trường học, cơ sở tôn giáo… Giới phân tích cho rằng sự gia tăng bạo lực này có liên quan đến những nỗ lực từ phía Thái Lan và Malaysia nhằm ép BRN ngồi vào bàn đàm phán mà không một chút nhượng bộ.
Trong tuyên bố hiếm hoi đưa ra hôm 4-1 qua, BRN thề sẽ "tiếp tục chiến đấu". Theo một số chuyên gia, các cuộc tấn công mới nhất chứng tỏ BRN vẫn duy trì năng lực quân sự đáng kể bất chấp quyết tâm trấn áp của chính phủ. Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan tuyên bố nhà chức trách sẽ tăng cường các biện pháp an ninh nhằm ngăn bạo lực leo thang.