Bão số 10: Nghệ An có nguy cơ vỡ đê, Huế, Hà Tĩnh đã có người thương vong

Admin
Những trận gió quật mạnh, liên hồi táp dữ dội vào đất liền các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị từ sáng nay. Khúc ruột miền Trung đang bị bão quăng quật. Nhóm PV Báo Inofnet đưa tin trực tiếp từ tâm bão.

Từ rạng sáng ngày 15/9, bão số 10 còn chưa vào bờ nhưng tại khu vực phía bắc Quảng Bình, giáp Hà Tĩnh, gió bão đã quật ầm ầm, rít liên hồi...

 Lực lượng chức năng gồng mình kéo tàu thuyền vào bờ tại Thanh Hóa.

Nghệ An đang mưa lớn, không một bóng người ra đường

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có mưa to trên diện rộng kèm theo gió lớn. Ngoài đường gió giật mạnh, không một bóng người ra đường. Mọi phương tiện, người được an toàn ở mức cao nhất tại tỉnh này.

Tại vùng biển Cửa Lò, sóng biển dữ dội, những cơn sóng cao tới gần 10m. Nhiều quán xá ven biển sóng biển đánh tan. Khu vực lân cận bờ biển không một bóng người; người và tài sản đều sơ tán đến nơi an toàn từ chiều tối 14/9.

 Nghệ An sức gió mạnh, sóng biển đánh dữ dội tại Cửa Lò.

Tại TP Vinh, mưa tầm tã, cây cối nghiêng ngả, gió rít liên hồi. Người dân TP thật sự khiếp đảm trước sức mạnh của cơn bão số 10 sắp đổ bộ.

Tại các huyện ven biển Nghệ An như Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, nước biển dâng cao 2-3m, đánh thẳng vào đê biển khiến nhiều đoạn đê xung yếu có nguy cơ vỡ.

Điều đáng lo ngại lớn nhất tại một số xã vùng biển Quỳnh Lưu là nhiều hộ dân vẫn chưa chịu sơ tán trước khi bão đổ bộ. Hiện chính quyền đang ra sức vận động, yêu cầu người dân ở gần đê biển di dời khẩn cấp.

 Dọc đường cây cối bị gãy đổ.

Tại xã Quỳnh Nghĩa, chính quyền địa phương và người dân cũng đang cùng nhau gia cố đoạn đê có nguy cơ vỡ khoảng 50m.

Hiện nước biển cũng đã dâng lên tràn vào khu vực cảng cá Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu Tại TP Vinh, do mưa lớn, trời tối nên các phương tiện ôtô phải bật đèn để di chuyển.

Hà Tĩnh: 1 người tử vong khi chằng chéo nhà cửa

Thông tin từ huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), sáng nay trong lúc chằng chéo nhà cửa trước sức gió mạnh của cơn bão số 10, một người dân ở xã Xuân Thành huyện này đã tử vong.

Dù mưa bão rất lớn nhưng nhiều hộ dân kinh doanh nhà hàng ở khu vực bãi biển Xuân Thành vẫn ra bờ biển để thu dọn đồ đạc di chuyển về sâu trong đất liền bất chấp nguy hiểm.

 Một phụ nữ yên tâm cho con bú sau khi được đến nơi an toàn tại thị xã Kỳ Anh.

Tại thị xã Kỳ Anh là tâm bão của tỉnh Hà Tĩnh, sức gió giật mạnh cấp 10, nước bờ biển dâng cao, khu vực sông suối tràn qua bờ, lan chạy vào tận khu dân cư, nhất là sông Trí.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó trưởng đồn công an Khu Kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh cho biết mưa gió rất lớn. Ở điểm xã Kỳ Nam, thuộc thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh là tâm điểm của bão. Hiện gíó giật rất mạnh. Một xe tải bị lật, 2 xe máy bị ngã khiến 2 người bị thương.

 Lãnh đạo thị xã Kỳ Anh thăm hỏi, động viên bà con.

Dọc đường ở thị xã này, do gió quật mạnh, mưa lớn khiến cây cối, tốc mái nhiều nhà dân. Không một người dân nào ra đường, chỉ có xe công an và lực lượng an ninh trật tự.

Đặc biệt, vào sáng nay (15/9), do gió giật mạnh, cột sóng đài truyền hình thị xã lung lắc dữ dội nên 13 hộ gia đình (34 nhân khẩu) sống xung quanh khu vực tháp đài truyền hình thị xã Kỳ Anh phải di tản dân đến Trường THCS Sông Trí.

Đến 11h trưa nay, cột đài truyền hình thị xã Kỳ Anh đã bị gãy đổ do không chịu được sức quật quá mạnh của gió bão.

 Nước sông Trí dâng cao.

Tại khu vực các xã ven biển huyện Cẩm Xuyên có gió mạnh. Một số khu vực tại xã Cẩm Nhượng nước biển đã dâng vào đường thôn do sóng lớn vượt qua kè Cửa Nhượng. Công tác sơ tán dân tại vùng này cơ bản hoàn thiện. Trực tiếp lãnh đạo cao nhất huyện Chủ tịch, Bí thư cùng dân đi sơ tán. Nhu yếu phẩm được cung cấp liên tục cho người dân tránh báo.

 Thuyền bè, nổi ở Cẩm Xuyên bị trôi.

Cũng tại huyện Cẩm Xuyên, tính đến 10h30, có 20 thôn bị ngập nước (khoảng 2.700 hộ ảnh hưởng). Có 31ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, thuyền bè nổi nuôi cá bị nước cuốn trôi.

Thừa Thiên Huế: 1 người chết, 260 ngôi nhà tốc mái

Do ảnh hưởng của cơn bão số 10, sau một đêm, hàng loạt cây xanh trên đường Nguyễn Tất Thành thuộc phường Thủy Phương (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế) bị gãy, bật gốc, bảng hiệu quảng cáo… nằm ngổn ngang trên đường khiến cho giao thông đi lại lúc sáng sớm gặp khó khăn, người dân ngơ ngác đứng nhìn.

Ngoài ra, nhà một số hộ dân sống ở 2 ven đường cũng bị tốc mái, mất điện từ giữa đêm. Hiện lực lượng chức năng thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế đang có mặt tại hiện trường khẩn trương triển khai công tác khắc phục sau mưa gió.

 Nhà tốc mái, một người dân tử vong.

Tại TP Huế, cành cây gãy ngổn ngang trên đường, các bảng quảng cáo chỉ còn trơ khung, nước sông Hương đang dâng cao.

Hiện đã có hai trận lốc xảy ra ở xã Phong Chương, huyện Phong Điền và tại ba phường Thủy Dương, Thủy Phương, Thủy Thanh (TX Hương Thủy) và phường An Đông (TP Huế).

Theo đó, tại tỉnh này, bão đã làm tốc mái 260 ngôi nhà, nhiều nhất là tại TX Hương Thủy (210 nhà), nặng nhất là khu vực tổ 19, phường Thủy Dương. Cây xanh ở các phường bị cơn lốc quét qua làm gãy đổ ngổn ngang.

 Bờ biển ở thôn Hải Thành, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) bị sạt lở khoảng 700m, sâu vào đất liền 5-10m.

Đặc biệt, cũng thông tin vào sáng nay, tại tỉnh này đã có 1 người chết và 1 người bị thương do những ảnh hưởng đầu tiên từ chiều hôm qua (14/9).

Thanh Hóa: Hàng trăm tàu bè bị cuốn trôi

Ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) sóng biển đánh mạnh, nước tràn vào khu vực dân cư. Tại Hoằng Hóa, Sầm Sơn, có hàng trăm bè mảng của ngư dân bị cuốn trôi.

Theo quan sát của PV thì sóng đánh vào bờ ở biển Sầm Sơn có nơi cao lên tới 3m, sóng dồn dập liên tiếp đánh vào bờ khiến nhiều người dân thích thú.

 Bờ biển ở thôn Hải Thành, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) bị sạt lở khoảng 700m, sâu vào đất liền 5-10m.

Tuy nhiên, sóng biển lớn khiến nhiều thuyền, bè và các ngư cụ của người dân phải di chuyển đến nơi cao hơn, sóng cao và nước lớn khiến rác tràn vào bờ, tràn lên cả tuyến đường Hồ Xuân Hương.

Ở một khúc đê chắn sóng chưa được làm xong nên chính quyền địa phương phải đổ đá hộc cũng như đưa máy múc ra để chắn nước tràn vào.

“Nếu như sóng biển to như thế này thì mưa sẽ rất to nên chúng tôi phải di chuyển đến nơi khác” - một ngư dân cho biết.

 Người dân hiếu kỳ đi xem sóng biển tại Thanh Hóa.

Do mưa bão nên nhiều nhà hàng ở Sầm Sơn đóng cửa không kinh doanh. Sóng lớn cũng làm nhiều gốc phi lao trên bãi biển bị bật gốc, một góc đường Hồ Xuân Hương giao với Đại lộ Nam Sông Mã nước ngập đến hơn nửa bánh xe máy.

Quảng Trị: Hàng chục hộ dân đảo Cồn Cỏ được đưa về nhà trú ẩn

Theo ông Hà Sỹ Đồng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, đêm 14 rạng sáng 15/9, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to, lượng mưa từ 100-200mm, mực nước các sông đang ở mức báo động C1.

 Ngư dân Quảng Trị đang dồn sức cho tàu thuyền neo đậu an toàn.

"Hiện tại, có 16 hộ dân trên huyện đảo Cồn Cỏ đã được lực lượng chức năng trên đảo đưa về nhà trú ẩn an toàn. Nhiều nhà dân trên đảo bị tốc mái", ông Đồng cho biết.

Quảng Bình: Cứu 8 ngư dân bị bão uy hiếp

Sáng 15/9, Quảng Bình mưa to, gió lớn cùng với thủy triều lên cao khiến nước ngập khu vực lân cận ven biển. Các ngư dân ven biển chạy đi tìm chỗ trú ẩn nhưng đã bị nước lớn uy hiếp.

Khoảng 11h sáng nay, lực lượng biên phòng, phối hợp chính quyền địa phương thuộc huyện Bố Trạch đã kịp thời ứng cứu, di chuyển 8 ngư dân quê Quảng Nam-Quảng Ngãi đến nơi an toàn tại Quảng Bình.

 Nhiều nơi bị sạt lở.

Theo ông Vũ, các ngư dân này đang ở trọ trong khu dịch vụ cảng cá sông Gianh. Lực lượng chức năng đã kịp thời có mặt đưa 8 ngư dân đến UBND xã Thanh Trạch trú ẩn an toàn.