Bày đặt yêu đương qua mạng xã hội rồi rút hầu bao của những cô gái nhẹ dạ

Admin
Phương thức lừa của những đối tượng này không hề mới, đó là tán tỉnh qua mạng để lấy lòng các cô gái. Khi họ đã nhận lời yêu, những gã đó bắt đầu hứa hẹn về tương lai rồi gửi tiền và quà tặng về cho người yêu. Rồi họ nghe tin những món quà đắt giá chưa đến tay mà đã phải nộp số tiền lớn cho “nhân viên hải quan”…

Mới đây, CA quận Thanh Xuân nhận được đơn trình báo của một người phụ nữ trẻ về việc chị bị bạn trai người Mỹ lừa gần 150 triệu đồng sau thời gian ngỏ lời yêu…

Nạn nhân là chị Phan Thị M, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Theo lời chị M, qua 1 lần lướt facebook, chị quen một người đàn ông tự xưng là Anthoni, mang quốc tịch Mỹ. Sau nhiều lần chuyện trò, 2 bên rất hợp chuyện và nảy sinh tình cảm. Chị M cũng chính thức nhận lời là bạn gái của Anthoni.

Khi tình cảm hai bên ngày càng nồng thắm, Anthoni có nói với chị M là muốn gửi một tập tài liệu rất quan trọng về Việt Nam cùng với số tiền tặng chị M là 700.000 USD. Lo ngại thất lạc tài liệu quan trọng của người yêu, chị M đã cho anh ta địa chỉ nhà mình. Chỉ vài ngày sau, chị M nhận được điện thoại, đầu dây bên kia là một giọng nữ, giới thiệu là nhân viên làm việc tại hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, thông báo cho chị về gói hàng là tập tài liệu và 700.000 USD.

 Các cô gái cảnh giác khi “ người yêu qua mạng” dính dáng tới tiền nong, tài chính. Ảnh tư liệu

Người bạn trai quốc tịch Mỹ của chị M cũng thường xuyên cập nhật về món tiền và đồ gửi đó nên sau khi nhận được điện thoại của “nhân viên hải quan”, chị M cũng thông báo cho anh người yêu của mình biết.

Những tưởng sớm nhận được gói hàng và tiền nhưng mọi chuyện không hề suôn sẻ, bởi tiếp đó chị M lại nhận được nhiều cuộc gọi nói rằng, gói đồ gửi cho chị gặp trục trặc, muốn giải quyết sớm, chị nên gửi một số tiền để nhân viên hải quan lo cho.

Chị M đã nộp tổng cộng 145 triệu đồng vào nhiều tài khoản khác nhau theo hướng dẫn của nhân viên kia. Sau khi gửi tiền, chẳng những chị M không nhận được hàng mà người bạn trai Mỹ của chị cũng lặn mất tăm. Lúc này, chị M mới giật mình khi biết đã bị lừa chẳng những về tình cảm mà còn về tiền bạc.

Liên quan đến chiêu thức lừa đảo kiểu này, một cán bộ Phòng cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao- CATP Hà Nội cho biết, những vụ lừa đảo theo chiêu thức bày đặt yêu đương qua mạng của một số “đối tượng người nước ngoài” là khá phổ biến. Trường hợp của chị Nguyễn Thị T, 32 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội là một ví dụ điển hình.

Chị T đã ly hôn được 2 năm và hiện tại sống độc thân. Do làm việc ở Cty nước ngoài nên chị có vốn ngoại ngữ khá tốt. Mỗi khi lên Facebook, chị T thường viết cảm xúc của mình bằng tiếng Anh. Danh sách bạn bè của chị cũng khá nhiều người mang quốc tịch nước ngoài, trong đó có một người đàn ông tự xưng là Kevin, quốc tịch Australia. Chị T chú ý đến Kevin vì anh này thường xuyên “like” và comment chia sẻ với chị. Việc làm đó của Kevin diễn ra trong thời gian dài; những chia sẻ của anh ta cũng rất gần gũi, chân thành nên chị T dần quý mến và 2 bên nhắn tin riêng để chuyện trò với nhau.

Kevin giới thiệu với chị T rằng mình 35 tuổi, hiện độc thân và là giáo viên. Hợp nhau, 2 bên có lúc online nói chuyện với nhau hàng tiếng đồng hồ. Cảm giác gần gũi, thân thuộc với Kevin đã dần chiếm lĩnh tâm trí người phụ nữ thiếu thốn tình cảm là chị T. Chị T vui hơn nữa khi Kevin ngỏ lời yêu và muốn chăm sóc, bù đắp cho chị T ở đoạn đời sau này. Hạnh phúc vì điều đó, chị T đồng ý và hàng ngày đều đặn chia sẻ cảm xúc với anh người yêu xa của mình.

Khoảng đầu tháng 3-2018, chị T nhận được tin nhắn từ bạn trai. Kevin nói muốn gửi quà cho chị gồm 1 chiếc đồng hồ, 1 sợi dây chuyền và 500.000 đô la Mỹ. Anh này còn chụp ảnh 2 món quà tặng, nói rằng anh ta thấy nó rất hợp với chị T, rằng đó là tình cảm của anh, mong chị T sẽ đón nhận. Cảm động trước tình cảm của Kevin, chị T đã nhắn cho anh ta địa chỉ kèm số điện thoại phụ để tiện liên lạc.

Ngày 23-3, một người phụ nữ gọi điện thoại cho chị, giới thiệu là nhân viên hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, thông báo về bưu phẩm và hỏi chị T có ở Hà Nội không để nhận hàng. Chị T đồng ý và nói mình có thể nhận được số hàng trên. Nhân viên này nói sẽ cho người chuyển đến cho chị ngay. Vậy mà, ngày hôm sau, vẫn nhân viên đó gọi cho chị T và bảo hàng không có hóa đơn, chứng từ nên chưa gửi đi được, phải xác minh vì sợ liên quan đến các hành vi phạm tội mà báo chí gần đây đã nêu.

Chị T giải thích, hàng này là quà của người yêu gửi từ Australia về, làm sao mà vi phạm gì được. Nhân viên nữ kia nói, để chắc chắn thì chị T gửi cho chị ta tiền để lo cho “êm chuyện”, tránh kiểm tra mất thời gian.

Ban đầu, người này yêu cầu chị T chuyển 75 triệu đồng, nhưng sau đó lại gọi thông báo là 90 triệu đồng. Kevin- người yêu chị T cũng ủng hộ việc chị T gửi tiền với lý do “không hiểu hải quan Việt Nam làm ăn kiểu gì”. Nhưng, mọi chuyện chưa dừng lại khi cô nhân viên kia lại nói chị T chuyển thêm 50 triệu nữa mới xong.

Trước sự đòi hỏi quá đáng của nữ nhân viên, chị T bắt đầu nghi ngờ và tìm hiểu thông tin về các vụ lừa đảo truyền thông đưa trước đó và thấy thủ đoạn giống hệt việc mình đang gặp phải. Liên hệ với Kevin để tìm lời giải thích, chị T nhận được câu trả lời loanh quanh rồi sau đó là sự im lặng và mất hút của cả Kevin và cô “nhân viên hải quan”. Lúc này, dù thấy rất tổn thương và đau khổ, chị T vẫn buộc phải đến CQCA trình báo vụ lừa đảo mà mình là nạn nhân.

Trên hết cả, tinh thần cảnh giác cao độ với việc yêu đương qua mạng vẫn là lời khuyến cáo cao nhất của CQCA; đặc biệt là khi “người yêu” nhắn tin ngỏ ý gửi tiền, quà về cho, những người này phải thật tỉnh để ứng xử bởi tiếp theo, rất có thể một “nhân viên hải quan” sẽ gọi điện nói chuyển tiền để giải quyết. Nếu tỉnh táo, đây là thời điểm tốt nhất để nạn nhân báo CQCA bởi có như vậy mới tránh việc nhóm tội phạm lừa đảo này tiếp tục diễn trò với các cô gái khác.