Sự việc diễn ra vào chiều 12/10, sau khi tan học tại Trường Tiểu học Tam Quan 1 (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), cháu P.K.Huệ đang đi từ lớp ra cổng để mẹ đón về, thì bị cửa cổng sắt đổ ập xuống và đè lên người.
|
Ngay sau đó, các phụ huynh của các học sinh khác đã chạy đến và bế cháu Huệ vào ghế đá của nhà trường, trước khi 2 giáo viên của nhà trường biết và đưa cháu lên trạm xá để kiểm tra.
Tiếp đó, cháu Huệ được chuyển lên bệnh viện Đa khoa huyện Tam Đảo, sau khi chụp chiếu xác định cháu bị gãy xương quai xanh.
Do gia đình thuộc đối tượng hộ nghèo nên cháu Huệ được hưởng bảo hiểm y tế và không mất viện phí.
Chia sẻ với VietNamNet, anh Phạm Văn Đạt, bố của cháu Huệ cho hay, chuyện xảy ra từ ngày 12/10, nhưng sau 1 ngày không thấy động thái gì từ phía nhà trường nên chiều hôm qua ngày 13/10, anh có lên gặp hiệu trưởng để nói chuyện.
“Tôi nghĩ sự việc xảy ra với con tôi như vậy, cả một cánh cổng sắt to và nặng như thế đè vào con tôi, nếu cháu có mệnh hệ gì thì làm sao, lãnh đạo nhà trường cần có động thái quan tâm ngay".
Cháu Huệ con anh Đạt nằm viện sau tai nạn khiến gãy xương quai xanh và hiện vẫn đang phải theo dõi phần bụng. |
Tuy nhiên sự việc không như anh mong muốn với phần trả lời của thầy hiệu trưởng Trần Xuân Ngọc.
Anh có ghi lại những trao đổi này.
“Chúng tôi có hơn 800 học sinh, các thầy cô giáo chỉ có thể quan tâm đến việc dạy dỗ các cháu học tập, còn nếu ốm đau thì có thể giải quyết cho nghỉ ốm thôi. Còn nhà trường cũng không có cái quỹ nào để đến thăm hỏi cháu được.
Đến cha mẹ học sinh còn chưa thăm nom được các cháu thì nhà trường không có trách nhiệm đến để thăm hỏi các cháu ốm đau. Có chăng ở mỗi lớp có quỹ lớp, tôi không biết có đóng hay không nhưng nếu có thì sẽ có cân đường, hộp sữa đến thăm cháu thì đó là việc của lớp thôi. Còn nhà trường không thể đi thăm hết cả được, phụ huynh phải thông cảm thế… Cháu xảy ra tai nạn là điều không ai mong muốn nên nhà trường không có trách nhiệm phải đến thăm hỏi cháu. Còn những việc thấy tạo điều kiện gì được cho cháu thì chúng tôi làm…".
Anh Đạt tâm sự: “Là người bố thấy con mình bị như thế, tôi rất đau. Tôi lên gặp hiệu trưởng không phải yêu cầu thầy phải chịu trách nhiệm hoàn toàn, mà chỉ muốn giữa gia đình và nhà trường giải quyết làm sao để quan tâm đến cháu. Tôi chỉ muốn nhà trường hãy quan tâm đến những học sinh của mình một cách sát sao hơn. Giả sử nhiều em cùng bị thì tôi không thể trách nhà trường vì nay thay bé này, mai phải thăm bé khác, nhưng đây chỉ mình con tôi”.
Theo anh Đạt, hiện cháu Huệ đã được chuyển từ đa khoa huyện Tam Đảo xuống bệnh viện tỉnh Vĩnh Phúc để tiếp tục theo dõi. Các bác sĩ yêu cầu gia đình tiếp tục để cháu H. ở lại để theo dõi phần bụng.
“Chẳng lẽ trong trường mà các con có bị cái gì nó đổ vào hay rơi vào người cũng vậy thôi và chỉ các bé và gia đình là người chịu thiệt”, anh Đạt nói.
Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Xuân Ngọc xác nhận có sự việc một học sinh bị cổng sắt của trường đổ đè vào người phải đi viện điều trị và đây là sự việc không ai mong muốn.
Tuy nhiên, ông Ngọc cho hay, lúc sự việc xảy ra, ông cùng giáo viên không hề hay biết nhưng có 2 phụ huynh khác cũng đến đón con kể lại thấy cháu Huệ trèo lên cánh cổng để đứng chơi trước khi cổng đổ.
“Khi nhìn thấy cổng đổ, vị phụ huynh đến đỡ được một phần. Lúc sự việc xảy ra, bảo vệ nhà trường còn đang đứng ở cổng nhỏ kiểm soát nơi các học sinh đi xe đạp ra nên cũng không biết”, ông Ngọc nói.
2 cô giáo của trường cũng đã lấy xe máy đưa cháu Huệ ra trạm xá. Sau đó, 2 cô cùng mẹ cháu tiếp tục đưa cháu đến bệnh viện đa khoa huyện.
“Sau khi nghe cô giáo chủ nhiệm báo cáo sự việc, tôi có nói cần quan tâm, hỏi thăm, động viên gia đình. Cả ngày hôm qua thì nhà trường bận đại hội toàn trường. Lúc 14h lúc tôi đang in tài liệu để dự họp thì thấy bố cháu gõ cửa vào. Phụ huynh đến trình bày và xin cho cháu nghỉ thì tôi đồng ý. Nghe bố cháu hỏi nhà trường không có ý kiến hỏi thăm gì hay sao, tôi nói việc này chỉ có lớp và cô giáo chủ nhiệm trích quỹ mua đường sữa thăm cháu. Chỉ có quỹ lớp chứ nhà trường cũng chẳng có tiền và cũng chẳng thu gì cả của các cháu khác để phục vụ việc thăm ốm đau. Tôi cũng có nói các giáo viên nếu có ốm đau thì các phụ huynh cũng có đến thăm các giáo viên bao giờ đâu và trường nhiều học sinh nên chúng tôi cũng không thể có tiền để lo cho tất cả các cháu ốm đau”, ông Ngọc nói.
Ông Ngọc cho biết, nhà trường cũng không hề bỏ bê việc của cháu. Ngoài giáo viên đưa cháu lên viện, chiều ngày 13/10 trường cũng đã cử một hiệu phó và cô giáo chủ nhiệm bố trí thăm hỏi cháu và gia đình.
“Các cô giáo cũng đã cháu tới viện chứ không thể ở lại chăm được vì còn gia đình họ nữa. Sáng 14/10, thầy hiệu phó và cô tổ trưởng, cô nhủ nhiệm cũng đã đến thăm cháu. Còn bản thân tôi thì mai sẽ cùng với trưởng phòng GD-ĐT huyện xuống thăm cháu”, ông Ngọc nói.
Ông Ngọc cho hay, ông trả lời phụ huynh như clip ghi lại vì trường không có một chế độ chính sách hay nguồn nào về vật chất để hỗ trợ gia đình cả.
“Nhà trường cũng nhiều việc, xảy ra sự việc mới 1 ngày tôi chưa thăm kịp thì đâu đã là bỏ bê. Bởi việc cũng đã rồi, chúng tôi để bình tĩnh rồi bố trí xuống thăm, dù có thể ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật. Thực tế tôi cũng đã bố trí đại diện lãnh đạo nhà trường xuống thăm. Phần tôi, vì bận việc riêng chưa xuống thăm được. Mong mỏi của gia đình thì ai cũng rất muốn nhưng phải bình tĩnh. Chúng tôi cũng sẽ làm những việc đó và các giáo viên cũng đã làm”.
Hệ thống cửa sắt cổng trường được sửa lại, tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc. |
Về cơ sở vật chất mất an toàn trường học, vị hiệu trưởng cho rằng cánh cổng sắt có thể đã bị han gỉ do đã sử dụng lâu ngày nên mới dẫn tới sự cố đáng tiếc. “Chúng tôi xin nhận sơ suất không để ý bởi hàng ngày vẫn giao cho bảo vệ nhà trường mở ra vào vẫn bình thường chứ không có dấu hiệu gì. Chúng tôi cũng sẽ rút kinh nghiệm sau sử dụng lâu ngày cần xem các bản lề của không chỉ cửa cổng mà tất cả các cửa lớp học”, ông Ngọc nói.
Hiện, ông Ngọc cũng đã cho hàn sửa và sơn lại hệ thống cửa sắt cổng trường.
Do điều kiện nhà cháu Huệ khó khăn, ông Ngọc cho hay dự định sẽ vận động cán bộ giáo viên, nhân viên ủng hộ để hỗ trợ cho gia đình vượt qua khó khăn, chăm sóc cháu, sớm trở lại học tập.