Beckenbauer qua đời: Nhìn lại sự nghiệp vĩ đại của 'Hoàng đế' bóng đá

Cao Hiếu
Biệt danh "Hoàng đế" là cách ngắn gọn và súc tích nhất để nói về sự vĩ đại của huyền thoại Franz Beckenbauer.

"Bóng đá thế giới mất đi vị Hoàng đế", tờ Gazzetta dello Sport (Italy) viết về sự ra đi của Franz Beckenbauer. Huyền thoại người Đức qua đời ở tuổi 78.

Vì sao Beckenbauer được gọi là "Hoàng đế"?

Điều thú vị về biệt danh của Beckenbauer là sự xuất hiện của nó vốn không liên quan đến tài năng chơi bóng của ông. Một tờ báo của Đức gọi ngôi sao đương thời như vậy khi chỉ ra nét mặt của Beckenbauer có nét giống cựu vương Bavarian Ludwig đệ nhị.

beckenbauer-1704769730.jpg


Beckenbauer nâng cúp vô địch thế giới năm 1974

Sau đó, những màn trình diễn xuất chúng trên sân đấu đã "đóng đinh" biệt danh "Hoàng đế" cho huyền thoại của Bayern Munich. Các tư liệu đều nhắc đến một mốc thời gian là trận thắng Schalke với tỉ số 2-1 vào năm 1969, khi Beckenbauer làm lu mờ tiền đạo Reinhard Libuda - người được mệnh danh là "ông vua của vùng Westphalia". Tờ The Guardian của Anh sau này giải thích: "Chỉ có Hoàng đế mới át được vua".

Biệt danh "Hoàng đế" là cách ngắn gọn và súc tích nhất để mô tả sự vĩ đại của Franz Beckenbauer. Trong giới túc cầu, ông là một biểu tượng sánh ngang với Pele - người được gọi là "Vua bóng đá".

Sự xuất chúng của Beckenbauer và những đóng góp của ông cho bóng đá lớn đến mức khó mà liệt kê ra hết được. Cũng chính vì vậy mà truyền thông thế giới thích dùng những từ ngắn gọn như "cầu thủ vĩ đại nhất", "hậu vệ vĩ đại nhất" hay đơn giản là biệt danh "Hoàng đế" đủ nói lên tất cả.

"Cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử", tờ Sun (Anh) viết. "Bóng đá thế giới mất đi một phần của lịch sử", tờ Kurier của Áo bình luận. Der Standard viết: "Franz Beckenbauer là ánh sáng soi đường cho bóng đá Đức. Ông là Hoàng đế của bóng đá".

Corriere dello Sport (Italy) gọi Beckenbauer là "hậu vệ vĩ đại nhất mọi thời đại", "nhà cách mạng trên sân bóng và một huấn luyện viên tài năng". La Repubblica ví von: "Franz Beckenbauer giống như người chỉ huy giúp cho cả dàn nhạc phát tiết hết tài năng".

Một trong số rất nhiều chi tiết nói lên sự vĩ đại của Franz Beckenbauer là việc ông khai sinh ra một vị trí mà đến nay vẫn chưa có bất kỳ một bản sao nào, hay một phiên bản cải tiến nào đạt được thành tựu lớn như bản gốc. "Không ai có thể chạm đến đẳng cấp của Beckenbauer", tờ Kicker khẳng định.

beckenbauer2-1704769750.jpg


Beckenbauer khai sinh ra vị trí libero trong bóng đá.

Người hâm mộ bóng đá thế hệ hiện tại chỉ được xem Beckenbauer thi đấu qua những tư liệu ít ỏi từ thời phim đen trắng. Thập niên 70 là giai đoạn thành công nhất của Beckenbauer. Ông cùng Bayern Munich vô địch Bundesliga 3 lần liên tiếp, Cúp C1 3 lần liên tiếp. Trong màu áo đội tuyển Tây Đức, Beckenbauer có một chức vô địch EURO, một danh hiệu World Cup mà ở đó, dấu ấn của ông đủ lớn để giành Quả bóng vàng (1972) và Quả bóng bạc (1974).

"Ông ấy là một cầu thủ tuyệt vời, tích cực, nhanh nhẹn và luôn nguy hiểm. Ông có thể làm những điều phi thường với tốc độ, khả năng kiểm soát và kỹ năng của mình", Sir Bobby Charlton - huyền thoại bóng đá Anh - nói về đối thủ lớn nhất trong sự nghiệp của ông.

Đội tuyển Anh, trong lần duy nhất vô địch World Cup, phải cắt cử cầu thủ vĩ đại nhất của họ theo kèm "Hoàng đế". Franz Beckenbauer - một hậu vệ - ghi 4 bàn, chỉ kém Eusebio (Bồ Đào Nha, 9 bàn) và đồng đội Helmut Haller (6 bàn).

Khi đội tuyển Tây Đức vô địch World Cup 1974, Franz Beckenbauer - theo lời kể của tờ Kicker - thậm chí còn có vai trò lớn hơn cả HLV trưởng Helmut Schon.

Sự nghiệp huấn luyện viên của Beckenbauer cũng chói sáng không kém những năm tháng chơi bóng. Ông đưa đội tuyển Đức vào chung kết World Cup 1986 khi không được đánh giá cao. Sau đó 2 năm, Beckenbauer và các học trò vô địch thế giới ở Italy. Ông trở thành người thứ hai trong lịch sử bóng đá thế giới vô địch World Cup trên cả cương vị cầu thủ lẫn HLV. Người đầu tiên làm được điều này là Mario Zagallo cũng vừa qua đời cách đây ít ngày.

Beckenbauer giành chức vô địch Ligue 1 của Pháp với Olympique Marseille năm 1991 và lên đỉnh Bundesliga với Bayern Munich năm 1994, trước khi trở thành chủ tịch câu lạc bộ từ năm 1994-2009. Ngoài ra, ông cũng giữ chức Phó chủ tịch Hiệp hội bóng đá Đức (DFB) từ năm 1998 đến năm 2010.

Chính với cương vị này, ông đã dẫn đầu việc đấu thầu thành công quyền đăng cai World Cup 2006, thành tựu mà sau này trở thành vết đen trong hồ sơ của huyền thoại vĩ đại. Beckenbauer vướng vào cáo buộc tham nhũng, hối lộ. Tuy nhiên, ngay cả trong vụ bê bối này, "Hoàng đế" vẫn được coi là người có công khi đưa được giải vô địch thế giới về với nước Đức, góp phần không nhỏ vào cuộc cải tổ bóng đá nước này.