Bệnh thành tích hay không phụ thuộc nhiều vào người thầy

Lợi Trần
Từng trường học không nên buông lơi cho giáo viên mà cần phải có sự giám sát chặt chẽ chất lượng học tập, thi cử của học sinh.
LTS: Là một người có nhiều năm đứng trên bục giảng, cô giáo Thuận Phương cho rằng để thực hiện tốt Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nâng cao nhận thức của giáo viên.

Ngoài ra, nhà trường cần giám sát chặt chẽ chất lượng học tập, thi cử của học sinh để tránh bệnh thành tích.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!


Trên cơ sở kế thừa Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá học sinh tiểu học việc ra đời của Thông tư 22 như một làn gió mới mang đến nhiều niềm vui cho các nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy ở bậc học này.

Thông tư 22 có nhiều điểm mới hướng tới mục tiêu giảm áp lực cho giáo viên và tăng tính động viên, khích lệ học sinh trong quá trình học tập.

Tuy nhiên, không ít ý kiến vẫn băn khoăn, thắc mắc “Liệu những quy định về đánh giá học sinh tiểu học của Thông tư mới này có thật sự giảm áp lực thành tích cho nhà trường và học sinh?”

Là giáo viên có thâm niên lâu năm trong ngành giáo dục, tôi và một số đồng nghiệp của mình lại không nghĩ thế.

Có hay không áp lực về bệnh thành tích phụ thuộc nhiều vào nhận thức, cách làm của giáo viên hơn là nội dung đánh giá của các Thông tư.

Vì Thông tư có tiến bộ tới đâu nhưng người thực hiện không nghiêm túc cũng chẳng thể thay đổi được gì.

 
hoc sinh tieu hoc
Thông tư 22 được đưa ra để khắc phục những hạn chế của Thông tư 30 trong đánh giá học sinh Tiểu học. (Ảnh: Báo Đại đoàn kết)

Thương học sinh

Không ít giáo viên bây giờ vẫn còn tư tưởng thương học sinh (nên họ sẵn sàng tự nguyện giúp các em mà không bị chi phối bởi một lý do gì).

Như việc hằng ngày thấy em học sinh A học rất tốt nhưng trong lúc thi em làm bài không đạt điểm giỏi (điểm 9 hoặc 10, mà theo quy định Thông tư 22 học sinh được khen thưởng phải đạt điểm thi từ 9 trở lên).

Có giáo viên đã tìm cách nâng điểm cho em để “đỡ tội”.

Có thầy cô giáo trong khi coi thi lại nhiệt tình gợi ý cho các em một số bài tập khó hay câu hỏi nâng cao, thế là xảy ra tình trạng “mưa điểm 10” ở một số lớp.



Nâng uy tín của mình

Cũng còn không ít giáo viên cho rằng “Lớp có nhiều học sinh giỏi bản thân mình mới là người dạy giỏi”.

Từ suy nghĩ đó, thầy cô cũng có muôn vàn cách để những học sinh thi đạt điểm 8 sẽ có được điểm 9 một cách đàng hoàng.

Ngoài một số học sinh được thầy cô “thương” một cách vô tư như trên không ít em hằng đêm vẫn tới học thêm, học kèm nhà thầy cô giáo của mình.

Nếu kết quả kiểm tra của các em không tốt “sẽ khó ăn nói với phụ huynh” nên không ít giáo viên đã bằng cách này, cách khác gợi ý cho các em làm bài hoặc đưa số điểm kiểm tra của các em lên theo ý của mình.

Thông tư 22 tạo cơ hội cho những giáo viên “cơ hội”

Thông tư 22 quy định, giáo viên chủ nhiệm ra đề kiểm tra, coi và chấm thi. Nếu thực hiện đúng như những hướng dẫn trên lại chẳng có điều gì phải nói.

Trong thực tế, còn nhiều giáo viên luôn công minh, làm việc ngay thẳng, trung thực, nên bao giờ cũng thực hiện tốt trách nhiệm của mình.

Ngược lại, vẫn còn một số thầy cô giáo “cơ hội” lợi dụng quy định của Thông tư để thực hiện ý đồ riêng. Và như thế, bệnh thành tích cũng xuất phát từ những giáo viên này.

Sửa đổi những bất cập của Thông tư là đúng nhưng muốn chấm dứt bệnh thành tích trong giáo dục lại cần cách làm đồng bộ hơn như việc nâng cao nhận thức của nhà giáo.

Từng trường học không nên buông lơi cho giáo viên mà cần phải có sự giám sát chặt chẽ chất lượng học tập, thi cử của học sinh.

Tác giả bài viết: Thuận Phương

Nguồn tin: