Bí ẩn đằng sau thiết kế Surface Studio đình đám

Lợi Trần
Sở hữu kiểu dáng thiết kế độc đáo, mẫu máy tính AIO Surface Studio đang được giới công nghệ tán thưởng nhiệt liệt.

Thiết kế đẹp và cực kỳ hiện đại của Surface Studio.
 

Tác giả của thiết kế Surface Studio là Ralf Groene, trưởng bộ phận thiết kế công nghiệp của Microsoft. Ông cũng chính là "cha đẻ" của thiết kế Surface Book, chiếc laptop lai tablet đình đám trước đây.

Để làm một chiếc máy tính 'tất cả trong một' (AIO) với 90% diện tích bề mặt là màn hình và cơ chế điều khiển tiện lợi như Surface Studio, nhóm của Ralf Groene phải tiếp cận theo hướng hoàn toàn khác với trước đây.  

Ralf Groene nói rằng tiêu chí đầu tiên đặt ra với Surface Studio là nó phải cơ động và sáng tạo. Màn hình của Surface Studio có thể nghiêng tới 20 độ cũng nằm trong ý đồ này. Đây cũng là góc nghiêng chuẩn cho các loại bảng vẽ nháp hiện nay.

 

Ralf Groene, cha đẻ thiết kế của Surface Studio.
 

Khả năng nghiêng linh hoạt của Surface Studio có rất nhiều tác dụng. Ngoài việc tạo điều kiện cho người thiết kế phác họa ý tưởng, nó còn giúp họ xem lại ý tưởng và hoàn thiện ý tưởng đó một cách nhanh nhất.

Cơ chế bản lề độc đáo của Surface Studio giúp cho việc tương tác và sáng tạo ý tưởng dễ dàng hơn. Phần bản lề được thiết kế khỏe khoắn và chắn chắn, giúp người dùng có thể điều chỉnh trơ tru phần màn hình nặng gần 6 kg và dày 12,5 mm mà không gặp bất cứ khó khăn nào.

Microsoft gọi chiếc bản lề độc đáo này là Zero Gravity Hinge. Nó sử dụng một cụm lò xo đặc biệt giúp việc gập hoặc kéo màn hình lên một cách dễ dàng.

 

Phần bản lề độc đáo của Surface Studio.
 

"Về cơ bản, Surface Studio là một chiếc bảng vẽ màu di động tiện lợi", Ralf Groene nhận định.

Phần đế máy bên dưới cũng được thiết kế đặc thù. Đây chính là 'não bộ' cung cấp sức mạnh xử lý cho Surface Studio. Ngay cả khi bạn di chuyển thoải mái màn hình phía trên, phần đế máy không hề giờ suy suyển. Nhưng nếu muốn, một cách chủ ý, bạn lại có thể di chuyển chúng một cách dễ dàng.

Màn hình Surface Studio có thể gói gọn 4 màn hình 14 inch bên trong. Việc lựa chọn kích cỡ màn hình cũng khá nan giải. Nhóm của Groene có khoảng 30 ý kiến khác nhau về chọn kích cỡ màn hình và định dạng màn hình, từ 24 inch tới 27 inch với định dạng 16:9 và 16:10.

Rốt cuộc, Microsoft chọn kích cỡ màn hình 28 inch với định dạng 3:2 giúp mang lại không gian rộng hơn cho công việc thiết kế so với định dạng 16:9, vốn chỉ hợp với nhu cầu giải trí.



 

Surface Studio dành cho dân thiết kế chuyên nghiệp.
 

Thực tế, đối tượng sử dụng Surface Studio là dân thiết kế đồ họa chuyên nghiệp chứ không phải người dùng thông thường vốn chỉ tập trung vào các nhu cầu giải trí như xem phim hoặc chơi game.

Có lẽ vì thế mà Microsoft trang bị lựa chọn card đồ họa cực mạnh Nvidia GeForceGTX 980M 4 GB GDDR5 cho Surface Studio, giúp xử lý các công việc liên quan tới đồ họa trơn tru và hiệu quả hơn rất nhiều.

Surface Studio còn gây ấn tượng với thiết kế màn hình siêu mỏng. Thực tế, nó là mẫu AIO có màn hình LCD mỏng nhất hiện nay với độ mỏng chỉ 12,5 mm. Tuy mỏng nhưng màn hình rất cứng cáp nhờ được bảo vệ bởi kính cường lực Gorilla Glass.

Khả năng tương tác của màn hình cũng rất 'đỉnh' với việc hỗ trợ cảm ứng 10 điểm và bút Surface Pen có độ nhạy áp lực đạt 1.024 cho phép viết và vẽ như bút thật.

Màn hình của Surface Studio được tích hợp công nghệ hiển thị cao cấp PixelSense và công nghệ TrueColor. Công nghệ này cho phép Surface Studio đạt tới 13,5 triệu điểm ảnh, nhiều hơn 63% so với một chiếc TV 4K.

Surface Studio còn được trang bị núm điều khiển độc đáo Surface Dial. Nó có thể đặt bên cạnh hoặc trên bề mặt màn hình. Dù kiểu nào cũng có thể thao tác dễ dàng được.

 

Núm điều khiển Surface Dial cực tiện lợi.
 

Surface Dial có khả năng tương tác rất tốt với màn hình. Nó được ví như vô-lăng điều khiển tích hợp nhiều cơ chế tiện lợi mà người dùng không cần phải lục lọi trong máy mới có thể tìm ra.

Người dùng có thể ấn hoặc xoay Surface Dial để tương tác trực tiếp với các menu điều khiển trên màn hình. Các menu điều khiển đó thực chất là của ứng dụng đang thao tác.

Microsoft xác nhận rằng Surface Studio sẽ tương thích với nhiều ứng dụng đồ họa như Adobe Creative Cloud, Bluebeam, và các ứng dụng khác.

Tóm lại, bạn sẽ được gì nếu mua Surface Studio?

Nếu bạn có ý định tậu một chiếc Surface Studio cho công việc thiết kế, thì dưới đây sẽ là những điểm nhấn không thể bỏ qua của chiếc máy tính AIO độc đáo này:  

Màn hình lớn, độ phân giải cực cao: Độ phân giải màn hình 28 inch của Surface Studio đạt mức ultraHD (4.500 x 3.000) với mật độ điểm ảnh lên tới 192ppi, tuy thấp hơn chiếc Retina iMac (220ppi) nhưng cao hơn hầu hết màn hình TV 4K hiện nay (khoảng 160ppi).

 

Màn hình siêu nét.
 

Màn hình gập được: Có thể gập và kéo màn hình dựng lên tùy thích khi bạn cần phác họa nhanh chóng ý tưởng thiết kế nào đó.

Cần điều khiển Surface Dial: Rất tiện lợi, bạn có thể xoay hoặc nhấn để hiển thị menu tương tác hoặc các chức năng của ứng dụng đang vận hành.

Vi xử lý Intel thế hệ thứ 6 và card đồ họa Nvidia cực mạnh: Surface Studio được tích hợp chip Intel Core i5 hoặc Core i7 với các lựa chọn RAM: 8 GB, 16 GB và 32 GB. Ổ cứng là dạng kết hợp giữa HDD và SSD với dung lượng 1 TB hoặc 2 TB.

Nếu lựa chọn Core i5, bạn chỉ có thể chọn card đồ họa Nvidia GeForce GTX 965M 2GB GDDR5. Nhưng nếu chọn Core i7, bạn sẽ có 2 lựa chọn đồ họa: GeForce GTX 965M 2GB hoặc card đồ họa lớn hơn - Nvidia GeForce GTX 980M 4GB GDDR5.

 

Có thể dễ dàng gập hoặc dựng màn hình.
 

Ngõ giao tiếp: Surface Studio có 4 cổng USB 3.0, và một trong số này dùng để sạc nhanh cho các thiết bị di động. Các cổng khác như DisplayPort, Gigabit Ethernet và khe đọc thẻ SD cũng có sẵn.

Surface Studio được trang bị Wi-Fi a/c tốc độ cao, Bluetooth 4.0, kết nối không dây Xbox Wireless, và webcam 5MP.

Giá bán: Surface Studio có 3 phiên bản khác nhau. Mẫu cơ bản dùng chip Core i5, RAM  8GB, ổ cứng 1 TB có giá 2.999 USD. Mẫu cao nhất dùng chip Core i7, RAM 32 GB và ổ cứng 2 TB có giá 4.199 USD.

Tác giả bài viết: Gia Nguyễn

Nguồn tin: