PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, BV Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết, cả 2 bệnh nhi mắc bệnh dại đều là người dân tộc, nhập viện cách nhau 5 ngày. Cả 2 bé đều vào viện trong tình trạng quá muộn, tỉnh táo, sợ nước, sợ ánh sáng, tinh thần kích thích, khó thở.
Bé trai người Mường 12 tuổi, quê ở Hoà Bình tử vong sau 1 tuần điều trị, bệnh nhi 9 tuổi dân tộc Mông, quê ở Lạng Sơn tử vong sau nửa ngày vào viện.
PGS.TS Bùi Vũ Huy |
Cả 2 gia đình đều không biết con bị chó cắn. Bé 12 tuổi bị chó con của gia đình cắn vào tay nhưng không nói với bố mẹ, đến khi phát bệnh mới kể lại. Tương tự, bé 9 tuổi cũng không thông báo với gia đình, sau 13 ngày, con chó tử vong cũng là lúc cháu bé lên cơn dại.
PGS Huy chia sẻ, việc nhìn thấy người bệnh lên cơn dại, vật vã, kích thích, thở rít lên từng hồi... nhưng lại hoàn toàn tỉnh táo, biết mình sẽ chết khiến cả người thân và bác sĩ đều thấy đau lòng vì không thể cứu.
Với các bệnh nhân lên cơn dại, gần như 100% sẽ tử vong do co thắt thanh quản, gây suy hô hấp.
Khi bị chó dại cắn, thời gian phơi nhiễm virus ở mỗi người sẽ khác nhau, tuỳ theo vị trí vết cắn do virus dại di chuyển dọc theo các dây thần kinh tới tủy sống và não bộ với tốc độ khá chậm.
Việc phát bệnh dại nhanh hay chậm tuỳ thuộc vào vị trí vết cắn trên cơ thể |
Có những người sau 20-30 ngày mới bắt đầu lên cơn dại, nhưng có những người có thể vài tháng đến 1 năm. Tuy nhiên hầu hết người dân đều chủ quan, khi thấy vết cắn liền da và sức khoẻ vẫn bình thường nên không đi tiêm phòng, đến khi sợ gió, sợ nước là đã lên cơn dại, không còn cách gì cứu chữa.
PGS Huy khuyến cáo, nếu bị chó, mèo hoang cắn cần đi tiêm phòng ngay, vì không theo dõi được con vật. Nếu bị chó nhà cắn, cần theo dõi trong 10 ngày, nếu chó chết hoặc ốm, cần đi tiêm phòng.
Hiện tại, Việt Nam đã cho phép lưu hành 5 vắc xin ngừa bệnh dại. Các vắc xin này không còn tác dụng phụ gây di chứng thần kinh như trước kia.