Bị chồng cho rằng 'ở nhà trông con chả có gì là mệt', mẹ trẻ xả giận với hội chị em liền được hiến kế bật lại

Admin
Có lẽ thời nay, không ít ông chồng cho rằng chẳng ai nhàn hạ bằng các bà mẹ bỉm sữa \'chỉ việc ăn rồi ở nhà chăm con\'. Đó là vì họ chưa thấu hiểu sự vất vả của các chị em khi phải lo vô vàn thứ việc không tên.

Trong xã hội hiện đại, hình ảnh một phụ nữ làm việc, cống hiến cho xã hội tương đương với đàn ông đã trở nên quen thuộc. Vì lẽ đó, nếu một phụ nữ không đi làm, chỉ ở nhà chăm con và làm nội trợ (dù không ai chính thức nói thẳng) nhiều khi lại bị coi là kẻ ăn bám.

Trong con mắt của nhiều 'trụ cột gia đình' và xã hội, có lẽ những bà nội trợ thật sung sướng, bởi họ không phải làm việc gì cả, không phải vất vả đội mưa nắng làm việc, không bị sếp mắng, không bị áp deadline, định mức công việc... như những người đang đi làm. Họ dễ dàng bị mắng nếu không biết điều mà cằn nhằn người đi làm, nếu chăm con không khéo, nhà cửa không gọn gàng, nếu bản thân họ bù xù, lôi thôi.

Và chắc hẳn, trong cuộc đời của mỗi người phụ nữ, mỗi người mẹ không dưới một lần phải nghe câu nói 'có mỗi việc chăm con cũng không xong' hay 'cả ngày cô làm gì mà để nhà cửa bừa bộn thế này' hoặc 'việc trông con chả có gì là mệt'. Một câu nói đủ sức đánh tụt cảm xúc của người vợ từ thăng hoa tới ê chề tủi hờn. Bởi lẽ họ cảm thấy mình như một người vô dụng, mọi công sức, gồng gánh của mình như đổ xuống sông, xuống biển, nhất là khi những lời nói như dao cứa ấy lại xuất phát từ chính miệng chồng mình. Thử hỏi, chị em nào mà không phát điên cho được?

Giống như người vợ dưới đây, bức xúc vì bị chồng phủ nhận hoàn toàn công sức của mình đối với gia đình, người vợ trẻ đăng đàn tâm sự cùng 500 chị em trong uất ức: 'Chồng em nói: ''Anh thấy việc trông con chả có gì phải mệt'. Nghe xong em muốn giết''.

Tâm sự của người mẹ trẻ khiến chị em dậy sóng.

Như ''gãi đúng chỗ ngứa'', ngay lập tức các chị em tranh nhau bình luận. Đại đa số ý kiến đều đứng về phe người vợ trẻ, đồng thời lên án anh chồng vô tâm, đã không biết thương vợ lại còn buông lời ''cay đắng'', thế thì người vợ nào mà chẳng tức giận cho được.

Tài khoản Hong Nhung Pham bình luận: 'Nói thì dễ, ông nào chả nói được, cứ cho các ông ấy ở nhà 1 hôm là biết mặt nhau ngay. Chơi với con 1 chốc 1 lát đã gọi vợ ời ời, huống hồ ở nhà cả ngày. Nói mà không biết thương vợ. Đúng là vô tâm''.

Mẹ Pham Ngoc Bích cũng đồng cảm: ''Mình chỉ riêng khoản cho con ăn cũng muốn phát điên rồi. Thấy mình cho con ăn còn nói câu em mới cho con ăn được chứ gặp anh thì chịu, bỏ đói luôn. Vậy mà đến lúc vẫn nói câu trông con nhàn được thì mình chịu rồi. Chồng mình chẳng bao giờ phụ mình về việc con cái cả, con tè hay ị cũng không thay nổi cái quần. Muốn điên vì chồng con mất''.

''Hôm nào bạn thử giả vờ đi vắng 1 hôm rồi bảo anh ta ở nhà trông con đi, xem có biết thế nào là ''chả có gì mệt cả'' hay không?'', mẹ Xuân Mai Nguyễn hiến kể.

Ảnh minh họa.

Bạn Hương Lan thì thở dài ngao ngán: ''Có lẽ việc chăm con được các ông chồng hiểu một cách giản đơn là chỉ việc cho con ăn rồi ôm ấp cả ngày, cho con ăn, chơi cùng con, chẳng có việc gì nhàn hạ hơn.

Vậy nên mấy ông chồng, tự trao cho mình cái quyền quát mắng hay to tiếng với người vợ của mình vì rằng 'cô chẳng làm gì', tôi mới là người phải chịu bao nỗi vất vả... Quả là ngán ngẩm. Mình mà bị nói thế, mình để con cho trông thử cho biết. Ai cũng muốn đi làm xiêm y váy đẹp, nhưng vì hoàn cảnh nên không thể mà thôi. Các ông ấy không hiểu cho còn nói ra những lời vô tâm thế này, ai mà chẳng bức xúc. Chia sẻ với mẹ nó, nhưng cũng nên hạ hỏa để bình tĩnh nói chuyện, đỡ mất hòa khí mẹ nó ạ''.

Bạn Ngọc Liên thì thẳng thắn: ''Ôi dào, bạn cứ để chồng bạn thử dành trọn vẹn 24 giờ ở nhà chăm con, nếu không thì thử thức một đêm chơi với con, câu trả lời sẽ có ngay và còn vô cùng chính xác nữa. Dám cá rằng, chồng bạn sẽ sợ 'xanh mặt', thà đi làm còn hơn phải ở nhà chăm con. Bạn cứ thử đi cho ông ấy biết'.

Thế đấy, các mẹ ạ, dù ở nhà nội trợ hay đi làm việc ở cơ quan, nếu bị chồng hay ai đó cho rằng mình không chu toàn việc nhà và lấy cớ bận con mọn để lười biếng, các mẹ hãy thử giao việc 'đơn giản' ấy cho họ một lúc, đi spa, shopping hoặc uống cafe chém gió với bạn bè, sau khi về, biết đâu mọi sự sẽ khác.