Cách đây 15 năm, chị Liên là một trong những cô gái xinh đẹp nhất vùng, khiến bao nhiêu anh chàng đẹp trai, giàu có đến “trồng cây si” trước cửa nhà. Chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào mà chị lại gặp gỡ, rồi yêu và nằng nặc đòi cưới anh Bách – một chàng trai quê nhưng khéo ăn khéo nói. Lúc đó, anh đang làm công nhân cho một xưởng in gần nhà chị. Phản đối không được, bố mẹ chị cũng đành chiều lòng con.
Lần lượt hai cô con gái của anh chị ra đời. Đồng lương công nhân ít ỏi của hai vợ chồng phải tằn tiện lắm mới đủ chi tiêu. Những hóa đơn tiền điện, tiền nước, rồi tiền nhà trọ, tiền bỉm sữa, học hành của con chẳng mấy chốc đã đập tan cái mộng tưởng “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” ngày nào. Gia đình anh Bách ở quê nghèo khó, cũng chẳng hỗ trợ được gì cho hai vợ chồng. Không nỡ nhìn con cháu chịu mãi cảnh thuê trọ chật chội, vất vả, bố mẹ chị Liên cho hai vợ chồng một mảnh đất. Ông bà hỗ trợ tiền để xây nhà, chỉ không để vợ chồng chị đứng tên trong sổ đỏ. Cũng là bố mẹ chị phòng xa vì chưa thấy yên tâm về con rể.
Cũng từ đó trở đi, anh Bách nảy sinh lòng bất mãn với gia đình nhà vợ. Anh bắt đầu tìm đến rượu để giải tỏa buồn bực. Những bữa cơm gia đình đạm bạc mà đầm ấm thưa vắng dần, anh góp mặt thường xuyên hơn vào những cuộc vui bên bàn nhậu. Chén chú chén anh, rồi người này kẻ kia khích bác, anh ta về nhà lớn tiếng bắt vợ phải nói với bố mẹ chuyển quyền sở hữu mảnh đất cho hai vợ chồng. Yêu cầu không được đáp ứng, những cơn giận dữ vô cớ, những lời sỉ vả trút hết lên đầu mẹ con chị Liên. Chị không thể ngờ được, chàng trai hiền lành chị yêu say đắm ngày nào giờ lại biến thành một người chồng vũ phu, một anh con rể tệ bạc.
Ảnh minh họa |
Bố ốm nặng nằm viện, chị Liên xin nghỉ mấy hôm vào trông bố, thay ca cho mẹ và em gái. Hai đứa con đã gửi sang nhà bà ngoại ăn cơm. Đi nhậu về thấy nhà cửa tối om, vắng ngắt, anh Bách gọi ngay cho vợ, nhưng không phải để hỏi thăm bố thế nào, mà yêu cầu chị về nhà ngay:“Cả nhà cô chết hết không còn ai hay sao mà cô đi liền mấy ngày như thế hả?”.
Lần nọ, lĩnh lương cuối tháng, có thêm tiền thưởng năng suất lao động, chị Liên mua chiếc áo mới cho chồng, cho con và cả hộp thuốc bổ định biếu bố mẹ mình. Chưa kịp sai con mang sang biếu ông bà, chồng chị đã mở ra quăng ngay vào sọt rác: “Bố mẹ cô có coi tôi là cái thá gì đâu. Không biếu với xén gì hết!”.
Không biết làm thế nào, chị Liên chỉ khóc ròng. Chị cay đắng nghĩ đến những ngày hai con còn nhỏ, hay lúc con ốm đau đều do một tay bố mẹ chị trông nom, săn sóc. Khi ấy, bố mẹ chồng thì bận đồng áng ở quê, cả năm lên thăm cháu được một hai lần. Chị cũng không dám trách cứ gì mà vẫn làm tròn bổn phận dâu con. Những ngày giỗ tết ở quê chị chưa bao giờ vắng mặt, hơn nữa mỗi lần về đều mua sắm đầy đủ đồ thờ cúng, rồi quần áo, thuốc bổ cho bố mẹ chồng. Vậy mà, anh Bách đối với bố mẹ vợ thì lại…
Đã không ít lần, bố mẹ khuyên chị Liên ly hôn khi biết con rể đang ở trên đất nhà vợ mà còn ngang ngược, không biết điều. Mỗi lần như thế, chị đều tìm cách nói đỡ cho chồng. Là do lúc ấy anh say rượu, là do anh buồn bực vì bị khích bác không đẻ được con trai…
Thật ra, hơn ai hết, chị Liên hiểu rõ những ngột ngạt, khổ đau trong cuộc sống của mình. Nhưng chị lại nghĩ nếu ly hôn rồi thì con cái sẽ thế nào? Đứa ở với bố, đứa ở với mẹ thì không đành, mà chị cũng không nỡ để con phải tủi hổ với bạn vì bố mẹ li dị nhau. Thế là cứ tiếp diễn những tháng ngày chịu đựng, những lời chửi mắng…
Tối qua, con gái lớn xin phép chị đi dự sinh nhật bạn. Chị đã đồng ý và cho tiền để con đi. Nào ngờ khi cô bé và cậu bạn thân vừa rời khỏi cổng thì gặp anh Bách đi uống rượu về. Chẳng hỏi rõ đầu đuôi, anh túm tóc con lôi vào nhà, lớn tiếng quát: “Tối không ở nhà còn đi đàn đúm yêu đương”. Vừa mở miệng thanh minh, con gái đã nhận ngay một cái bạt tai, còn chị suốt cả buổi tối nghe anh chửi rủa rằng “con hư tại mẹ”. Những lời chửi bới ấy chỉ khiến chị rơi nước mắt như mọi lần. Nhưng chị không ngờ con gái chị do uất ức, vừa xấu hổ với bạn bè nên đã hành động dại dột...
Nhìn đứa con gái 15 tuổi vừa qua cơn nguy kịch, đang nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, chị Liên không khỏi xót xa. Nước mắt chị rơi nhòe những dòng chữ trên lá thư con viết trước khi cắt vào cổ tay: "Con xin lỗi mẹ, con đi trước đây. Mẹ đừng cố nữa, hãy tự giải thoát cho mình đi!".
Chị không ngờ việc mình cố chịu đựng để con cái được sống trong ngôi nhà đủ bố đủ mẹ lại gây ra hậu quả thế này. Bi kịch ngày hôm nay, biết trách chồng chị vũ phu tệ bạc, hay trách chị “chọn nhầm chồng” như lời mẹ chị nói.