Các chuyên gia về ô tô chia sẻ kinh nghiệm các bí kíp mà chủ xe phải nằm lòng khi TP.HCM bước vào mùa mưa với những đợt “đại hồng thủy” trên đường phố, nhằm đảm bảo an toàn và tránh tổn thất chi phí sửa chữa cực lớn.
Trước hết, chủ nhân cần tuân thủ bảo dưỡng xe đúng định kỳ, đảm bảo ô tô hoạt động tốt, các hệ thống phanh, gạt nước, hệ thống đèn, lốp xe phải đảm bảo chất lượng. Bước thứ hai, chủ nhân phải nắm rõ các tuyến đường thường bị ngập sâu khi mưa lớn tại TP.HCM để biết mà né.
Khi di chuyển, người lái phải cho ô tô đi tốc độ chậm để bám đường tốt dễ xử lý các tình huống nguy hiểm có thể xảy xa, nhưng phải giữ chân ga đều tránh nước tràn vào ống xả dễ gây chết máy. Với xe số sàn, khi di chuyển qua vùng ngập nước lái xe nên để số 1, còn với xe số tự động có các số D1, D2 hoặc L1, L2… lái xe hãy chuyển về D1 hoặc L1 và cố gắng giữ vòng tua máy cao nhất ở mức có thể.
Trong thời tiết này, lái xe nên bật đèn sương mù, đèn chiếu gần, đèn cảnh báo sự cố để các phương tiện khác biết. Quan sát nếu thấy mức nước ngập nửa lốp xe thì không nên vượt qua và cao hơn nửa bánh xe, tuyệt đối không nên liều lĩnh chạy qua. Lưu ý lái xe nên giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước và không chạy song song với xe ngược chiều vì đường ngập nước, hai sẽ chạy như vậy sẽ tạo ra những đợt sóng nước lớn có thể tràn lên nắp capo, thậm chí gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác.
Mùa mưa, đường ngập là nỗi lo của những người lái ô tô vì thiệt hại rất lớn nếu xảy ra hỏng hóc. |
Khi xe bị chết máy trong vùng ngập nước, lái xe nên gọi cứu hộ kéo xe về hãng hay gara để kiểm tra. Khi cứu hộ chưa đến có thể nhờ người đẩy xe lên khu vực cao ráo. Khi đã đi qua chỗ ngập nước, lái xe cần đi tiếp một đoạn, rà phanh để loại bớt nước trên đĩa phanh. Sau đó xuống kiểm tra lại động cơ, gầm xe.
Nếu xe bị tắt máy đột ngột giữa vùng ngập, tuyệt đối không tìm cách khởi động lại, nên rút chìa khóa điện, đẩy xe vị trí cao và gọi ngay cứu hộ.
Các chuyên gia cho biết lái xe cần lưu ý những biện pháp trên hệ quả của xe bị ngập nước sẽ ảnh hưởng đến đề, máy phát điện, các cánh quạt, các linh kiện điện, các cảm biến... Nếu nước ngập đến nắp capo, thông qua ống hút gió, nước tràn vào làm máy hỏng và chết máy đột ngột khiến động cơ “lâm trọng bệnh”, chi phí sửa chữa thay thế rất lớn.
Ngoài ra, nếu bị ngập, hệ thống điện của ô tô sẽ dễ bị chập mạch, hỏng hệ thống điều khiển, kéo theo đến hiện tượng báo lỗi các bộ phận hoặc nhiều chức năng của ô tô có thể hoạt động sai.