Bí thư Bắc Ninh đề nghị cấm đưa đơn tố cáo lên mạng xã hội

Admin
Đại biểu Quốc hội có ý kiến khác nhau xung quanh việc có thừa nhận đơn thư tố cáo nặc danh và gửi qua email, fax, điện thoại... hay không.

Chiều 30/5, trong phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Nhân Chiến - Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh đề nghị các cơ quan chức năng chỉ nên tiếp nhận đơn tố cáo bằng đơn và gửi trực tiếp, không nên bổ sung hình thức gửi qua fax hay email, "tránh tình trạng lợi dụng các hình thức mới này để bôi nhọ, hạ thấp, nói xấu, xuyên tạc hình ảnh của tổ chức, cá nhân".

"Tôi đề nghị bổ sung quy định không được đưa nội dung tố cáo lên mạng xã hội, với mục đích hạ thấp uy tín danh dự của tổ chức, cá nhân. Đưa đơn lên mạng rất phức tạp, người bị tố cáo chịu ảnh hưởng mặc dù nội dung chưa chắc đúng, nhưng cứ đồn đại từ quê hương, bạn bè, gây nên nghi ngờ. Do đó cần quản lý, không được đưa đơn tố cáo lên trang cá nhân, đưa lên là vi phạm", ông Chiến nói.

Bí thư tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị, trên trang mạng cá nhân chỉ có thể nói chung chung, được quyền nêu quan điểm cá nhân, bày tỏ bức xúc, nhưng không được nêu rõ tên cơ quan, đơn vị.

 Đại biểu Nguyễn Nhân Chiến (Bí thư tỉnh uỷ Bắc Ninh). Ảnh: Võ Hải

Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng không nên phân biệt giữa tố cáo bằng văn bản, tố cáo trực tiếp với tố cáo bằng fax, email, điện thoại. Theo ông, ban soạn thảo chưa phân tích sâu và phân biệt rõ điều này nên mới coi việc truyền tin qua fax, email, điện thoại không phải là văn bản.

"Xét về bản chất, thông tin tố cáo mới là quan trọng nhất. Văn bản ở đây không nên hiểu chỉ là văn bản gốc, mà cần phải thừa nhận cả những văn bản được truyền qua fax, email và điện thoại", ông Vân nói và nhận định trong thời đại công nghệ số thì không thể không thừa nhận các hình thức giao dịch điện tử.

 Đại biểu Lê Thanh Vân.

Ý kiến trái chiều về đơn thư nặc danh

Quy định liên quan đến đơn thư tố cáo nặc danh cũng nhận được ý kiến khác nhau từ các đại biểu.

"Vì sao có tố cáo nặc danh? Thực tiễn cho thấy, ngoài việc lợi dụng để gây rối, triệt hạ, vu khống người khác, có thể thấy một sự thật là người nặc danh sợ bị trả thù, bị trù dập, bị bức hại... Vì vậy, cần thừa nhận hình thức này", ông Lê Thanh Vân đề xuất.

Tuy nhiên, ông cũng kiến nghị tố cáo nặc danh chỉ có giá trị khi đủ một trong ba yếu tố: Thông tin có cơ sở, chặt chẽ; phản ánh đúng sự thật, có liên quan trực tiếp đến người bị tố cáo và chứng cứ tin cậy.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội cũng cho rằng, về nguyên tắc không xem xét đơn tố cáo nặc danh. Tuy nhiên nếu tố cáo nặc danh mà có những nội dung, chứng cứ xác đáng (hình ảnh, ghi âm…) thì nên được xem xét, bởi nhiều khi người tố cáo sợ bị trả thù hoặc không đảm bảo về quyền lợi.

Nêu ý kiến ngược lại, đại biểu Đào Tú Hoa bày tỏ đồng tình với dự thảo luật là không nên xem xét tố cáo nặc danh. Việc chấp nhận đơn tố có nặc danh sẽ tạo tiền lệ xấu cho những người thiếu tinh thần xây dựng, tiếp diễn tình trạng tố cáo tràn lan.a

"Chưa biết đúng sai thế nào nhưng đơn tố cáo nặc danh làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, danh dự cá nhân, gây mất đoàn kết trong đơn vị, hơn nữa đơn nặc danh thường được tung ra vào thời điểm nhạy cảm", bà Hoa nói.

Đại biểu Nguyễn Chiến, Phó Chủ nhiệm Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng cho rằng không nên để tình trạng người bị tố cáo thì có danh, người đi tố cáo thì vô danh. "Do đó người tố cáo phải danh chính và chịu trách nhiệm với đơn tố cáo của mình. Còn tố cáo nặc danh có cơ sở, kèm theo chứng cứ thì có thể coi đó là tin báo tội phạm để xem xét của cơ quan có thẩm quyền chứ không nên đưa vào luật", ông Chiến nói.

Những người đi tố cáo bị đe doạ và cô lập

Ông Bùi Đặng Dũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nêu thực tế, nhiều người có công tố cáo sai phạm hiện cuộc sống không ổn định. Tâm lý bản thân, gia đình, vợ con họ đều chịu sức ép dư luận rất lớn.

Ở cơ quan, đơn vị thì người tố cáo đó luôn có nỗi ám ảnh của đồng nghiệp là "coi chừng vị này chuyên tố cáo"; về bà con, làng xã bị lãnh đạo địa phương "coi chừng là đối tượng có vấn đề chuyên thưa kiện".

"Những người này không chơi được với ai và gần như bị cô lập, thậm chí bị đe doạ. Như vụ đất đai ở Hải Phòng, đại tá về hưu tố cáo giờ thế nào? Hay gần đây nhất, hai cụ già ở Bắc Ninh giúp cơ quan chức năng phát hiện gần 3.000 bộ hồ sơ thương binh giả, đang đề nghị khen tặng nhưng mãi chưa được", ông Dũng nói và cho rằng cơ chế bảo vệ, khen thưởng người tố cáo đúng là rất quan trọng.

 

Tác giả: Võ Hải - Hoàng Thuỳ

Nguồn tin: Báo VnExpress