Bộ chậm trễ, địa phương chuẩn bị chương trình GDPT mới như "đánh trận giả"

Admin
Vì bộ GD&ĐT chưa ban hành chương trình tổng thể và chương trình các môn học, dù chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa triển khai nên các địa phương chuẩn bị như \"đánh trận giả\".

Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu bộ GD&ĐT khẩn trương ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới, bao gồm chương trình tổng thể và chương trình các môn học.

Về phần các địa phương cũng không khỏi “xót ruột” khi bộ GD&ĐT liên tục lùi thời điểm công bố. Và tới thời điểm hiện tại chỉ chưa đầy 1 năm nữa là sẽ bắt đầu vào năm học 2019 -2020, nhưng các địa phương vẫn chuẩn bị theo kiểu “đánh trận giả”.

Ông Vũ Văn Lương, Giám đốc sở GD&ĐT Hải Dương cho biết: “Mặc dù 1 năm nữa thực hiện ở lớp 1 trước nhưng chương trình tổng thể cũng cần ban hành sớm để các địa phương chuẩn bị, còn việc viết sách, tập huấn cho giáo viên. Hiện tại địa phương chúng tôi cũng chỉ biết lựa chọn giáo viên, lớp học, chuẩn bị theo định hướng tinh thần chứ chưa chuẩn bị kỹ được”.

“Bồi dưỡng giáo viên như thế nào, bồi dưỡng cái gì để sang năm học tới triển khai thì chúng tôi cần có nội dung cụ thể”, ông Lương băn khoăn.

Ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc sở GD&ĐT Quảng Bình cho biết địa phương đã mong mỏi bộ GD&ĐT công bố Chương trình từ tháng 12/2017 để lên phương án chuẩn bị tuy nhiên tới nay vẫn chưa thấy dấu hiệu gì.

Ông nói: "Trong chương trình mới có phần kiến thức địa phương, nếu Bộ ban hành sớm thì chúng tôi mới có thể chuẩn bị chu đáo nhất. Hiện vẫn chỉ biết chuẩn bị theo tinh thần, còn thực tế cái tinh thần đó thế nào thì vẫn chưa thấy. Tôi cho rằng, Bộ cần sớm công bố để các địa phương có thể chủ động trong mọi tình huống, đặc biệt là những tỉnh còn nhiều khó khăn như Quảng Bình".

 Hiện các địa phương đang hoang mang trong việc chuẩn bị chương trình GDPT mới.

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên tại Nghệ An đặt lo ngại về thời gian thực hiện chương trình này: “Nếu bộ GD&ĐT không đảm bảo đúng thời gian, các địa phương không thể thực hiện được. Theo quy định phải ban hành chương trình tổng thể, chương trình các môn học mới có thể viết sách giáo khoa. Liệu rằng có bộ sách giáo khoa nào tốt khi được viết trong vòng vài tháng?”.

“Sách giáo khoa đã ban rồi không thể sửa được. Lần này mà làm không tốt về chương trình SGK sẽ để lại hậu quả khôn lường. Bộ GD&ĐT đang làm theo kiểu chạy đua thời gian, khoán việc. Mọi sự vội vã cộng với tinh thần trách nhiệm của các chuyên gia không được như ý sẽ có 1 lứa học sinh không tốt”, thầy Hiếu nói.

Cuối cùng thầy Hiếu cho rằng: “Cái vội này nguy hiểm về mặt chất lượng, giống như làm khoán, làm theo kiểu cho có vậy. Sách giáo khoa thì không thể làm như vậy được. Chưa đầy 1 năm nữa triển khai mà giờ mọi thứ vẫn rất mơ hồ, liệu bộ GD&ĐT có dám khẳng định sẽ không có sai sót gì? Cần phải ban hành sớm để chuyên gia góp ý, có thời gian để điều chỉnh”.