Một người dân sinh năm 1940 gửi thắc mắc tới Bộ Công an về việc hiện nay không có Giấy khai sinh nhưng trong Sổ hộ khẩu, Quyết định nghỉ mất sức, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, thẻ Bảo hiểm y tế, thẻ Cựu chiến binh, Giấy lĩnh lương hàng tháng đều ghi sinh năm 1940, trong khi đó Chứng minh nhân dân được làm năm 1978 lại ghi năm sinh là 1945.
“Bộ Công an cho tôi hỏi, với thông tin về năm sinh là khác nhau giữa Chứng minh nhân dân và các giấy tờ nêu trên, tôi có thể làm thẻ Căn cước công dân được không?”- người dân hỏi.
Mẫu thẻ căn cước công dân. |
Giải đáp việc này, Bộ Công an cho biết, Điều 18 Nghị định số 137/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân nêu rõ, người được cấp thẻ Căn cước công dân là công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đã đăng ký thường trú.
Cơ sở để tính tuổi căn cứ vào ngày, tháng, năm sinh của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp thông tin về ngày, tháng, năm sinh của người đó chưa có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì căn cứ vào Giấy khai sinh bản chính hoặc sổ hộ khẩu để xác định ngày, tháng, năm sinh của người đó.
Như vậy, trường hợp của công dân trên đủ điều kiện để được cấp thẻ Căn cước công dân. Tuy nhiên, trong quá trình làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân thì người dân này phải xuất trình các giấy tờ hợp pháp liên quan của cơ quan có thẩm quyền chứng minh việc thay đổi, đính chính năm sinh từ năm 1945 sang năm 1940; căn cứ để xác định năm sinh ghi trong sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, thẻ cựu chiến binh… là sinh năm 1940 để cơ quan công an có đủ căn cứ cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định.
Bao giờ chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư?
Cử tri tỉnh Thanh Hoá phản ánh, mặc dù Luật Căn cước công dân đã có những quy định chung về kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể để triển khai thực hiện. Đề nghị Bộ Công an sớm ban hành văn bản hướng dẫn để sớm triển khai việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia trên các lĩnh vực.
Theo Bộ Công an, Chính phủ ban hành Nghị định số 137/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân. Trong đó, Điều 7, 8, 9, 10 Nghị định này đã quy định cụ thể về việc kết nối, chia sẻ thông tin; các hình thức khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thẩm quyền khai thác và thủ tục khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bên cạnh đó, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Thông tư số 02/2017 về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc thông điệp dữ liệu công dân trao đổi với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Thông tư số 13/2017 quy định các yêu cầu kỹ thuật về kết nối hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu với cơ sở quốc gia để đảm bảo kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương.
“Như vậy, các văn bản hướng dẫn chung về việc kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã có tương đối đầy đủ. Bộ Công an đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo hoàn thành theo đúng tiến độ. Đồng thời, thường xuyên rà soát, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng các văn bản hướng dẫn việc cập nhật, chia sẻ, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên từng lĩnh vực cụ thể”- Bộ này cho hay.