Giáo dục

Bộ GD-ĐT 'độc quyền' dữ liệu tuyển sinh, các trường lo lắng

Thay vì cho các trường chủ động trong việc kiểm soát dữ liệu tuyển sinh Bộ GD-ĐT đã quyết định “độc quyền” điều này khiến cho các trường hoang mang vì không còn chủ động.

Bộ GD-ĐT thông báo sẽ khóa phần mềm đăng ký xét tuyển trực tuyến, không cho các trường tiếp cận dữ liệu thí sinh đăng ký vào trường tới tận tối 12/8. Điều này đã khiến nhiều trường bức xúc.

Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, Thạc sỹ Hoàng Đức Bình, Giám đốc tuyển sinh và Truyền thông của ĐH Hoa Sen cho biết: “Trong trang web của Bộ GD-ĐT, số lượng thí sinh đăng ký vẫn ở trên đó nên chúng tôi không thể kiểm đếm chính xác là bao nhiêu hồ sơ nộp vào trường. Dựa trên dự đoán mà chúng tôi có từ dữ liệu của Bộ, trong ngày 1/8 khoảng 550 hồ sơ đăng ký vào trường. Trong đó, 20% là các em trực tiếp nộp hồ sơ tại trường, còn 80% là đăng ký xét tuyển qua phần mềm của Bộ GD-ĐT”.

bo giao duc 1470195560
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thị sát các điểm thi THPT Quốc gia 2016.

Thạc sỹ Bình cũng cho biết thêm, lượng hồ sơ này so với ngày đầu tiên của năm trước giảm khoảng 15%. Năm nay, mọi dữ liệu đều qua quản lý của Bộ nên các trường khó biết cụ thể. Các trường không xuất dữ liệu ra được nên không biết cụ thể ngành các thí sinh đăng ký ra sao.

Theo lãnh đạo một trường ĐH, các trường có nhu cầu biết số lượng hồ sơ và ngành đăng ký cụ thể nhưng dữ liệu không xuất được nên không thể phân tích. “Có thể Bộ lo các trường sau khi phân tích thông tin sẽ lọt ra ngoài khiến phụ huynh, học sinh hoang mang dẫn đến để đến phút chót mới chạy đôn chạy đáo nộp hồ sơ. Nếu Bộ giữ được luật chơi xuyên suốt, các trường đều tôn trọng luật như nhau thì sẽ không có chuyện gì xảy ra. Nếu không, chúng ta cũng khó biết được đến phút chót có nghẽn mạng đăng ký không?”, vị này cho biết.

Trước đó, trao đổi với PV về việc liệu có thể xảy ra cảnh thí sinh chờ và đến phút chót đổ xô nộp hồ sơ gây nghẽn mạng đăng ký, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (bộ GD -ĐT) cho biết: “Năm ngoái, các thí sinh còn ngóng đến phút cuối nhưng năm nay thí sinh ngay từ đầu đã được đăng ký vào hai trường.

Thí sinh và phụ huynh phải có thông tin chứ không có thông tin thì việc chờ đến phút chót đâu có ý nghĩa gì. Thí sinh không thể biết bao nhiêu người cũng vào một trường thì làm sao biết ai đỗ vào đó”.

Một vị hiệu trường trường Đại học ở Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi sẽ không làm được gì trong suốt thời gian 12 ngày của đợt xét tuyển. Sau 12 ngày này, Bộ mới mở kho dữ liệu xét tuyển để chuyển về cho các trường. Tới lúc này, liệu có xảy ra tình trạng tắc nghẽn mạng?

Ngoài ra, vị này cũng lo ngại: "Tôi e rằng "cuộc chơi" này sẽ không xuyên suốt và công bằng giữa trường công lập và dân lập".

Tác giả bài viết: Công Luân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP