Giáo dục

Bộ GD-ĐT: Tránh tạo "ma trận", điểm sàn nên sát điểm chuẩn

Trước việc một số trường tốp trên có điểm xét tuyển hồ sơ ngang với điểm sàn của Bộ GD-ĐT, lãnh đạo Bộ lưu ý nên đưa ra ngưỡng điểm sàn sát với điểm chuẩn vào trường.


Ý kiến trên vừa được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đưa ra, sau khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ có đề nghị các trường đại học tốp trên công bố lại điểm sàn tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2016-2017 hôm 5/8 vừa qua.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, điểm sàn mà Bộ GD-ĐT đưa ra (15 điểm) là ngưỡng thấp nhất trong khung đảm bảo chất lượng đầu vào. Trong khi đó, một số trường tốp trên vẫn tuyên bố nhận hồ sơ ngang sàn hoặc nhỉnh hơn sàn 1-2 điểm khiến cho nhiều thí sinh đăng ký rơi vào “tình thế khó xử”.

Thực tế, với "ma trận" điểm sàn từng xảy ra ở năm 2015, thí sinh dễ bị “loạn” và có lựa chọn không chính xác khi điểm chuẩn vào trường ở các trường tốp trên vẫn khá cao. Năm nay thí sinh cũng không được quyền rút (hồ sơ) ra nộp vào, mà thay vào đó là có 2 nguyện vọng vào 2 trường, mỗi trường 2 ngành. Vì thế, nếu đã… “lỡ” thì “coi như xong”, một số giáo viên bình luận.

Ngoài ra, những trường tốp giữa hoặc tốp dưới cũng gặp khó khăn trong tuyển sinh vì nguồn tuyển giảm. Cụ thể, năm 2016, cả nước có gần 890.000 thí sinh đăng ký dự thi ở cả hai cụm thi ĐH và địa phương. Trong số này có 68% thí sinh thi ở cụm thi ĐH, tương đương khoảng 600.000 thí sinh. Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, năm nay, các trường ĐH lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển khoảng 320.000 chỉ tiêu. Như vậy, chỉ tiêu chiếm hơn 50% tổng số thí sinh.

Nộp hồ sơ như thế nào để dễ đậu đại học?


Do đó, Thứ trưởng Ga lưu ý, trong các đợt xét tuyển bổ sung, các trường nên quy định ngưỡng nhận hồ sơ gần với điểm chuẩn dự kiến, vừa để tránh hiểu nhầm cho thí sinh, cũng như tránh gây khó khăn cho các trường tốp dưới.

Thứ trưởng Ga cũng lưu ý thí sinh tham khảo điểm chuẩn vào các ngành/trường yêu thích để quyết định nộp ĐKXT phù hợp với kết quả thi của mình. Thí sinh cần phải lưu ý đây là ngưỡng tối thiểu chứ không phải điểm chuẩn vào trường.

Trước đó, tất cả các trường và khoa thành viên thuộc ĐHQG TP.HCM là: ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Bách khoa, ĐH Quốc tế, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Kinh tế - Luật, và Khoa y đều công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 15 điểm.

Một số trường khác được đánh giá cao và có điểm chuẩn hàng năm khá cao cũng đưa ra điểm sàn là 15 điểm như ĐH Kinh tế TP.HCM (trừ một số ngành), ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Luật TP.HCM.

Ở khu vực Miền Bắc, ĐH Dược Hà Nội, ĐH Y Dược Thái Bình, Học viện Ngoại giao, ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội, ĐH Thủy lợi đều lấy điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 15.

“Tôi đề nghị các trường đã công bố rồi thì rút lại, đưa ra thông báo mới để các trường phía dưới có cơ hội, đặc biệt là các thí sinh có thông tin minh bạch đăng ký vào là có cơ hội trúng tuyển cao, cũng để giữ vị thế của các trường”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khuyến cáo.

Một số lưu ý khi ĐKXT

1. Ngành học bạn thích là gì?

2. Bạn được bao nhiêu điểm?

3. Liệt kê danh sách các trường tương đương theo sở thích + Điểm trúng tuyển năm 2015

4. Lựa chọn NV theo mức giảm dần: Bạn có 4 NV. Hãy chọn những ngành bạn rất thích nhưng điểm hơi cao. Xếp các ngành giảm dần theo điểm trúng tuyển. Lưu ý, khoảng cách điểm giữa các NV càng cách xa nhau thì mức độ an toàn càng cao.

“Biết người biết ta”: Một số trường tốp trên công bố mức điểm xét tuyển ngang với mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT (15 điểm), hoặc nhỉnh hơn một chút. Tuy nhiên, bạn cần thật tỉnh táo.

Thông thường, các trường tốp trên rất khó giảm điểm chuẩn trúng tuyển, hoặc nếu có thì chỉ giảm rất nhẹ so với những năm trước. Và nên nhớ rằng, bạn cũng không được rút - nộp hồ sơ để có thể tìm cho mình cơ hội khác. Mạo hiểm với các trường tốp trên, trong khi điểm thi chỉ nhỉnh hơn mức điểm sàn một chút là điều không nên.

Tác giả bài viết: Nhật Minh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP