Không đào tạo từ xa với lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, đào tạo giáo viên
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 28/2023/TT-BGDĐT, kèm quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học. Thông tư có hiệu lực từ ngày 12/2, áp dụng đối với các khóa tuyển sinh hình thức đào tạo từ xa trình độ đại học sau ngày thông tư này có hiệu lực thi hành.
Theo Thông tư 28, đào tạo từ xa được xác định là hình thức đào tạo có 50% tổng khối lượng của chương trình đào tạo trở lên được thực hiện theo một hoặc kết hợp giữa phương thức đào tạo từ xa mạng máy tính và viễn thông, thư tín, phát thanh - truyền hình.
Chương trình đào tạo từ xa là chương trình đang áp dụng cho hình thức chính quy ngành đào tạo tương ứng của cơ sở đào tạo, được điều chỉnh và mô tả cụ thể trong đề cương chi tiết của mỗi học phần cho phù hợp với hình thức đào tạo về phương pháp, thời lượng dạy - học, học liệu, đánh giá kết quả học tập; trong đó yêu cầu sử dụng chủ yếu phương thức mạng máy tính và viễn thông.
Đáng chú ý, điểm mới của Thông tư 28 so với Thông tư 10/2017 ban hành quy chế đào tạo từ xa trước đây là các trường đại học không đào tạo từ xa đối với ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Thông tin trên báo Giáo Dục & Thời Đại nhiều chuyên gia giáo dục, lãnh đạo các trường đại học ủng hộ quy định trên của Bộ GD&ĐT khi không cho phép thực hiện đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Theo các chuyên gia, đào tạo từ xa có những ưu điểm như: Đào tạo mọi lúc, mọi nơi; tiết kiệm chi phí học tập cho người học; giảm thời gian đào tạo so với phương pháp truyền thống; tạo điều kiện học tập suốt đời… Tuy nhiên, hệ đào tạo này có nhược điểm thiếu sự tương tác giữa người dạy và học; khó triển khai các học phần thực hành…
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo không chính quy, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM cho rằng, sản phẩm đào tạo của ngành Khoa học sức khỏe là những bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng…, liên quan trực tiếp, có tính chất quyết định đến việc bảo vệ sức khỏe người dân. Còn sản phẩm của ngành đào tạo giáo viên là người thầy, cũng có tính chất quyết định sự nghiệp giáo dục.
Hai lĩnh vực này đòi hỏi người học phải được thực hành, cọ xát liên tục. Các vấn đề liên quan đến sức khỏe, sư phạm cũng được các bộ, ngành kiểm soát chặt chẽ. Theo PGS Hải, do tính chất đặc thù, quan trọng của hai ngành trên, Bộ GD&ĐT siết chặt việc đào tạo từ xa là hợp lý.
Theo Thông tư 28, chương trình đào tạo từ xa phải được công khai với người học trước khi tuyển sinh và khi bắt đầu khóa học; những thay đổi, điều chỉnh liên quan đến chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định hiện hành và công bố trước khi áp dụng, không gây tác động bất lợi cho người học. Hằng năm, cơ sở đào tạo tổ chức rà soát, đánh giá và cập nhật chương trình đào tạo từ xa.
Ảnh minh họa.
Siết chặt quản lý đào tạo đại học từ xa bảo đảm chất lượng và công bằng
Những năm qua, đào tạo từ xa là xu hướng tất yếu của giáo dục đại học trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, hai ngành đào tạo sức khỏe và sư phạm có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi từ năm 2018, điểm sàn của hai nhóm ngành này do Bộ GD&ĐT xác định.
Vì thế, quy định mới của Bộ GD&ĐT về việc không thực hiện đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên nhận được sự đồng thuận cao. Quy định mới đã đáp ứng mong muốn chung của dư luận, các nhà trường cũng như các cơ sở y tế - nơi sử dụng lao động có tính đặc thù này.
Theo báo Hà Nội Mới, cán bộ quản lý các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đều bày tỏ quan điểm ủng hộ về việc chấm dứt hình thức đào tạo từ xa đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên bởi đây là ngành đặc thù, sản phẩm đào tạo là con người. Còn theo ý kiến của các bác sĩ, đào tạo khối ngành sức khỏe không chỉ cần học trực tiếp mà phải được thực hành, thực tập trong thời gian dài tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Nhấn mạnh về vấn đề này, nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, đồng thời là người sáng lập Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng nhận định, hình thức đào tạo từ xa có hạn chế là không tổ chức được nội dung thực hành.
Trong khi đó, quy trình đào tạo giáo viên cần có thời lượng thực hành nhiều. Yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay đòi hỏi giáo viên không chỉ cần được trang bị kiến thức khoa học về bộ môn mình sẽ giảng dạy, mà còn phải được trực tiếp tiếp xúc với học sinh để hiểu về tâm lý giáo dục, thực hành kỹ năng dẫn dắt, tổ chức hoạt động giáo dục và đặc biệt là biết cách tạo năng lượng, truyền cảm hứng cho học sinh. Đây đều là những kỹ năng quan trọng và cần hình thành từ quá trình thực tế thực tập tại trường phổ thông chứ không thể chỉ qua các giờ học lý thuyết, qua sách vở.
Luật Giáo dục đại học quy định thông tin trên các văn bằng đại học bao gồm chính quy, đào tạo từ xa là giống nhau. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng nhân lực và xã hội không dễ dàng chấp nhận “sản phẩm” đào tạo của các loại hình có sự chênh lệch. Vì thế, việc siết chặt hình thức đào tạo từ xa là cần thiết và cần được tổ chức thực hiện nghiêm túc, cần sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng và người dân để bảo đảm chất lượng và sự công bằng.Tổng thời gian đào tạo từ xa không ngắn hơn đào tạo chính quy
Quy chế cũng nêu rõ chương trình đào tạo từ xa có kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa theo các tiến độ học tập khác nhau để định hướng cho người học, trong đó tổng thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa không ngắn hơn so với đào tạo chính quy.
Đối với người học liên thông đã được miễn trừ khối lượng tín chỉ tích lũy, thời gian tối đa để người học hoàn thành khóa học được xác định trên cơ sở thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa giảm tương ứng với khối lượng được miễn trừ.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu chương trình đào tạo từ xa phải được công khai đối với người học trước khi tuyển sinh và khi bắt đầu khóa học; những thay đổi, điều chỉnh liên quan đến chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định hiện hành và công bố trước khi áp dụng, không gây tác động bất lợi cho người học.