Bộ GD&ĐT sẽ xử lý nghiêm vấn đề chạy trường, chạy lớp

Admin
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng khẳng định Bộ GD&ĐT quan tâm chỉ đạo địa phương ngay từ đầu năm học, với tinh thần răn đe và cảnh báo về hiện tượng chạy trường, lớp.

Hiện tượng phụ huynh chạy trường cho con không phải chuyện hiếm gặp, đặc biệt ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Thậm chí, phụ huynh còn công khai bán, nhượng lại suất trên mạng.

Gần đây nhất, một số phụ huynh công khai rao bán suất chạy trường mùa tuyển sinh "lứa rồng vàng" trên mạng xã hội. Trong vai phụ huynh xin học trái tuyến cho con, phóng viên tiếp cận một giáo viên của trường Tiểu học Trung Tự, được cô giáo ra giá 15 triệu đồng/suất.

Nữ giáo viên cho biết xin trái tuyến vào Tiểu học Trung Tự năm nay rất khó vì trường mới xây "trông như khách sạn", tất cả phòng học đều có điều hòa, máy chiếu... Do đó, với giá 15 triệu đồng, “không người này sẽ có người khác mua”.

Nếu đồng ý mua, phụ huynh trả một lần 15 triệu đồng và chuẩn bị bản sao hộ khẩu (hoặc sổ tạm trú dài hạn - KT3), bản sao giấy khai sinh, mã số học sinh.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp chạy trường, chạy lớp khác đang diễn ra khá phổ biến hiện nay.

Liên quan vấn đề này, một hiệu trưởng một trường tiểu học có tiếng ở TP.HCM cho biết, không lo được cho con suất học trái tuyến, nhiều phụ huynh buộc phải "lách" hộ khẩu để trở thành đúng tuyến.

Nhiều trường quy định hộ khẩu phải có trước vài năm (tính tới thời điểm tuyển sinh) nhưng có trường không quy định. Dù có quy định thời gian hay không, phụ huynh vẫn có cửa "chạy" được. Họ thường tính toán ngay từ khi con mới lọt lòng hoặc ít cũng phải 1-2 năm trước khi bé vào lớp 1. Chiêu bài thường được phụ huynh áp dụng là nhờ người quen hoặc các đường dây dịch vụ gửi ghép hộ khẩu rồi chung tiền.

Cũng theo nữ hiệu trưởng, trường quy định nhận trẻ có hộ khẩu tại địa bàn từ trước tháng 1/2018, vì thế học sinh có tên trong sổ hộ khẩu từ tháng 5/2018, đương nhiên không đủ điều kiện. Nhưng nếu không quy định thời gian, cứ có hộ khẩu là được, dù mới làm trong tháng 5, có tên trong danh sách điều tra của phường gửi lên quận, thì đương nhiên sẽ đúng tuyến.

Chính vì "chạy" hộ khẩu là cách lách luật "được việc", không phải xin duyệt trái tuyến nên được nhiều phụ huynh lựa chọn. Một trường hợp chạy hộ khẩu thường 20-30 triệu đồng, tùy các quận khác nhau. Ở những quận trung tâm của thành phố, số tiền này sẽ lớn hơn rất nhiều.

 Thứ trưởng GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng.

Trước thực trạng chạy trường, mới đây, Thứ trưởng GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết bộ đã nắm thông tin vụ việc "Phụ huynh rao bán suất chạy trường, cô giáo ra giá 15 triệu đồng". Ngay sau đó, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Nội có báo cáo, sau khi làm việc với nhà trường.

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng khẳng định Bộ GD&ĐT quan tâm chỉ đạo địa phương ngay từ đầu năm học, với tinh thần răn đe và cảnh báo về hiện tượng chạy trường, lớp.

Trước đó, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết đầu năm học mới, bộ luôn có chỉ thị về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hiện tượng chạy trường, lớp.

Nếu phát hiện chạy trường, lớp, Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu xử lý nghiêm, dựa trên mức độ vi phạm cụ thể.

Đề cập vấn nạn chạy trường mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp ở các thành phố lớn, đặc biệt "những năm vàng", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT, cho rằng câu chuyện này đã được nhắc đi nhắc lại trong thời gian rất dài nhưng các cấp quản lý vẫn không thể giải quyết triệt để. Đây là biểu hiện của tiêu cực, tham nhũng trong giáo dục.

“Một xã hội mà phụ huynh phải mất hàng nghìn USD để con được học trường tốt là không thể chấp nhận được. Chạy trường là một dạng tiêu cực, tham ô trong giáo dục”, nguyên thứ trưởng bức xúc nói.

Nếu tất cả đều minh bạch, từ thầy cô, hiệu trưởng, các cấp quản lý, không ai dám dùng tiền hối lộ, đổi lấy suất học cho con.

"Rõ ràng có những người nhận tiền, đút túi làm của riêng, phụ huynh mới làm những việc như vậy... Sở dĩ vấn nạn chạy trường tiếp diễn là bởi có người vẫn muốn kiếm chác từ suy nghĩ lệch lạc, sai trái của nhiều phụ huynh”, ông Nhĩ nêu quan điểm.