Bỏ khoảng cách đặt trạm BOT, thể hiện sự “ấu trĩ”, yếu kém của tổ soạn thảo

Admin
Chuyên gia giao thông cho rằng, tổ soạn thảo hoàn toàn không rõ các khái niệm khi soạn thảo, hoặc có biết nhưng cũng cố tình bỏ ngỏ, thể hiện sự “ấu trĩ”, yếu kém, coi thường người dân.

Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa quyết định phê bình nghiêm khắc tổ soạn thảo (lần hai) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 49/2016 quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ (BOT) đang được dư luận quan tâm.

Nhận định về sự yếu kém, né trách nhiệm khi để xảy ra sai sót, Bộ trưởng GTVT cho rằng, do hạn chế năng lực nên tổ soạn thảo đã không dám cung cấp thông tin cho dư luận đầy đủ, chu đáo. Tổ soạn thảo đã không báo cáo để cung cấp thông tin cho báo chí.

 “Bỏ khoảng cách đặt trạm BOT, thể hiện sự “ấu trĩ” yếu kém” 

Bộ trưởng Thể khẳng định: “Đây là sự yếu kém của nhóm thực hiện, ứng dụng máy móc. Đồng thời, yêu cầu Tổng cục trưởng tổng cục Đường bộ kiểm điểm tổ soạn thảo xem xét rõ trách nhiệm, xử lý nội bộ đúng quy định và báo cáo kết quả về bộ”. Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên

gia tư vấn cao cấp dự án JICA cho rằng: “Tôi rất mừng khi Bộ trưởng GTVT đã nhìn ra được sự yếu kém và kiểm điểm tổ soạn thảo Thông tư 49 khiến cho dư luận bức xúc trong thời gian qua. Bộ trưởng rất đúng khi đưa ra quyết định này”.

Nói về sửa đổi Thông tư 49, TS. Đức cho rằng: “Khi đọc bản dự thảo (sửa đổi lần 2) Thông tư 49, rõ ràng, tổ soạn thảo yếu kém thật. Kém ở khâu không hiểu rõ bản chất vấn đề, nên tổ soạn thảo đã soạn theo hướng có lợi cho mình. Nói đơn giản như mục không lấy ý kiến người dân, để sau này họ làm gì cũng dễ không bị ràng buộc bởi người dân”.

“Nhưng điều quan trọng, họ không hiểu bản chất, tại sao phải lấy ý kiến người dân. Người dân ở đây là ai, khi ký hợp đồng BOT sẽ có 3 bên, trong đó có cơ quan quản lý Nhà nước, nhà đầu tư và người dân (người chịu tác động trực tiếp của dự án). Dùng từ người dân ở đây là không đúng mà phải dùng từ “người chịu tác động trực tiếp của dự án””, TS. Đức nói

Đề cập tới mặt sai của tổ soạn thảo, TS. Đức cho hay: “Nguyên tắc muốn dự án tốt thì phải lấy ý kiến những người chịu tác động trực tiếp từ dự án. Tổ soạn thảo hoàn toàn không rõ khái niệm này, hoặc có biết nhưng cũng cố tình bỏ ngỏ, thể hiện sự “ấu trĩ” yếu kém, coi thường người dân”.

 TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia tư vấn cao cấp dự án JICA.

Cũng theo TS. Đức nhận định: “Việc tổ soạn thảo gạt bỏ khoảng cách 70 km giữa các trạm BOT về mặt luật pháp là sai, bộ Tài chính quy định về khoảng cách này chứ không phải bộ GTVT. Nếu muốn sửa thì phải do Chính phủ, hoặc bộ Tài chính sửa chứ bộ GTVT không thể sửa được. Rõ ràng, tổ soạn thảo đã sai hoàn toàn về luật. Trong khi đó, quy định về khoảng cách đang được người dân ủng hộ, có ai phản đối đâu mà gạt bỏ mục này”.

Chia sẻ về hình thức kỷ luật những người soạn thảo, TS. Đức cho biết thêm, điều đầu tiên là phải xử lý nội bộ trước xem tình hình tác động nghiêm trọng như nào để đưa ra hình thức xử lý cao hơn. Ngoài ra, bộ GTVT cũng phải xem xét trách nhiệm những người đứng đầu cơ quan của tổ soạn thảo gây hiểu lầm trong dư luận.

Đồng quan điểm với TS. Đức, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: “Bộ trưởng GTVT đã làm rất đúng khi kiên quyết kiểm điểm tổ soạn thảo Thông tư 49 làm ảnh hưởng tới uy tín của bộ GTVT”.

Ông Liên cho biết: “Tôi hoàn toàn phản đối quan điểm của tổ soạn thảo vì đây không phải là vấn đề riêng của bộ GTVT mà là của toàn thể xã hội. Quy định khoảng cách giữa các trạm BOT từ 70 km trở lên là quy định chung đã được bộ Tài chính, Quốc hội, người dân đồng tình. Khi muốn thay đổi quy định này, bộ GTVT phải chứng minh cho xã hội biết tại sao lại phải bỏ. Tổ soạn thảo đưa ra ý kiến thiếu cơ sở khoa học”.

Nhận xét về tổ soạn thảo, ông Liên đánh giá: “Trình độ, tầm nhìn của cơ quan tham mưu cho bộ GTVT tư duy còn rất kém, thiếu những nghiên cứu sâu sắc, thiếu những ý kiến của các nhà chuyên môn”.

“Về việc không lấy ý kiến người dân khi đặt trạm thì tôi phản đối nó gây ra sự phản cảm, khi thu hồi đất của dân, lập trạm trên đất của dân mà không hỏi ý kiến dân. Ngoài việc, kiểm điểm tổ soạn thảo ra Bộ trưởng cũng xem xét những người liên quan khác tới việc lấy ý kiến sửa đổi Thông tư này nữa”, ông Liên nêu quan điểm.