Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: ‘Văn bản đóng dấu mật nhiều quá mức cần thiết’

Lợi Trần
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay, có hiện tượng lạm dụng việc đóng dấu mật vào văn bản “cho oai” và để sử dụng vào các mục đích khác.
Sáng 22/9, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra tại Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.

Phát biểu với kinh nghiệm là người làm “chánh văn phòng 3 đời bộ trưởng”, ông Tống Quốc Đạt, Chánh văn phòng Bộ Kế hoạch đầu tư đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng có giải pháp xử lý hiện tượng lạm dụng dấu mật trong các văn bản.

“Đề nghị anh Dũng xử lý ngay, cái gì cũng mật. Trên mạng đăng đầy rồi còn treo dấu mật. Cái gì đáng mật thì đóng dấu, vì đã đóng dấu là không được sao chép, không được phổ biến”, ông Đạt nêu.
 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Chia sẻ bức xúc của Chánh văn phòng Bộ Kế hoạch, ông Mai Tiến Dũng cho hay: “Khi tôi về Văn phòng Chính phủ đã nói tại sao văn bản mật quá nhiều. Có những việc không đến mức phải như thế. Ông doanh nghiệp cũng muốn đóng dấu mật để oai, ông tỉnh cũng muốn đóng dấu mật để làm việc khác. Đôi khi xử lý không tốt gây ra cách hiểu khác nhau".

Báo cáo với đoàn công tác, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng cho biết, từ ngày 1/1 đến 31/8, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng giao 701 nhiệm vụ trong các văn bản mật, tối mật, tuyệt mật, trong đó có 27 nhiệm vụ đã quá hạn nhưng chưa thực hiện (chiếm tỷ lệ 3,8%)

Có hiện tượng đẩy việc lên Thủ tướng

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, thời gian qua có tình trạng đùn đẩy công việc lên Thủ tướng, Chính phủ dẫn đến họp nhiều. Lẽ ra nhiều việc thuộc thẩm quyền của bộ trưởng và chủ tịch UBND tỉnh. Nếu theo đúng thẩm quyền thì lượng văn bản đẩy lên Văn phòng Chính phủ sẽ giảm 20-25%.

“Bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh không làm tròn trách nhiệm, né việc bằng cách xin ý kiến Chính phủ nhiều việc không cần thiết”, ông Dũng nói.
 

Đoàn công tác làm việc với Văn phòng Chính phủ sáng 22/9. Ảnh: Nhật Bắc

Trưởng đoàn công tác, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đánh giá Văn phòng Chính phủ là đơn vị đi đầu trong cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin, đảm bảo nhanh, chính xác, công khai minh bạch, nhưng an toàn, bảo mật.

Tuy nhiên ông Thừa cũng thẳng thắn nêu, một số ý kiến của các bộ, ngành kêu ca “có cán bộ Văn phòng Chính phủ cửa quyền, hạch sách”. Thứ trưởng Nội vụ đề nghị Văn phòng Chính phủ phải là tấm gương cho các bộ, ngành, địa phương về cải cách hành chính.

Tác giả bài viết: Võ Hải