Bộ trưởng một năm ở nước ngoài 163 ngày, nên hiểu đó là gì?

Admin
Quanh chuyện cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng một năm ở nước ngoài 163 ngày, bạn đọc Nguyễn Ngọc Anh đề nghị cần sớm có câu trả lời: Những chuyến đi nước ngoài này có bình thường không? Họ đi công vụ hay \'tư vụ\'?

 

"Quan chức cấp cao nói chung, tư lệnh một ngành nói riêng, hằng năm đều có những chuyến công cán ra nước ngoài: tháp tùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội trong các chuyến thăm và làm việc của họ; ký kết biên bản ghi nhớ, hiệp định giữa các bộ, ngành của hai hay nhiều quốc gia; những chuyến học tập, hội thảo trong khu vực, tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác đầu tư...

Đảng, Nhà nước có quy định về việc cán bộ đi nước ngoài thi hành công vụ. Nhưng rất tiếc, do nhiều lý do trong đó không loại trừ những lý do tiêu cực như muốn hưởng thụ, nặng tư - nhẹ công, lợi ích nhóm... nên có quan chức (không ít quan chức) tranh thủ đi nước ngoài với tần suất khá dày.

Tiền cho những chuyến đi đó, có phải tiền túi của các vị ấy bỏ ra? Nếu doanh nghiệp mời cũng cần xem lại.

Có ai bỏ tiền ra mời lãnh đạo đi nước ngoài chỉ là vì tình cảm "xã giao" không? Sau chuyến đi là gì?

Rồi kinh phí từ ngân sách thường xuyên của bộ, ngành, địa phương; hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn triệu đồng từ tiền thuế của dân, từ vốn vay ở các dự án, từ ngân hàng trong nước và ngoài nước.

Những chuyến đi nước ngoài dày đặc, những 163 ngày/năm cần xác minh và có kết luận, cụ thể rõ ràng.

Là người dân, tôi muốn có câu trả lời: Những chuyến đi nước ngoài này có bình thường không? Họ đi công vụ hay tư vụ?

Mong rằng vụ việc lớn thì Ủy ban Kiểm tra trung ương đảm nhiệm, việc nhỏ hơn thì Ủy ban Kiểm tra các tỉnh, thành vào cuộc, cần phối hợp với các ngành chức năng để công việc cho kết quả nhanh, chính xác.

Phát hiện sai phạm, căn cứ vào quy định hiện hành của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà từng bước xử lý, tuyệt nhiên không cả nể, không có vùng cấm.

Phải làm nghiêm, bởi ai cũng thắc mắc, đi nước ngoài 163 ngày/năm thì có đúng chức trách không? Có góp phần... làm nghèo đất nước, có làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, làm xói mòn niềm tin của người dân không?


Cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài phải được cấp thẩm quyền cho phép. Cá nhân, tổ chức vượt rào ký quyết định, cần xem xét kỷ luật, thậm chí nếu vi phạm phải bồi hoàn thiệt hại cho Nhà nước.

Cuộc chiến chống tham nhũng ngày càng cam go, quyết liệt, khó khăn trăm bề. Nhưng, lòng dân đặt trọn niềm tin vào cơ quan chống tham nhũng, vào quyết tâm chính trị cùng những giải pháp của Đảng, Chính phủ.

Chỉ khi tham nhũng bị tiêu diệt, lòng dân - 90 triệu người mới đồng lòng, chung sức xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh.