Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: 'Cần có bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội'

Admin
Lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông cho rằng việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cần đảm bảo \"ngắn, gọn, dễ hiểu\".

Sáng 18/5, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn chủ trì cuộc toạ đàm "xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vì một môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam".

Theo ông Tuấn, cuộc toạ đàm sẽ "xới vấn đề lên", sau đó, cơ quan soạn thảo là Viện chiến lược Thông tin Truyền thông lấy ý kiến rộng rãi để xây dựng bộ quy tắc hoàn chỉnh.

Bộ trưởng Thông tin Truyền thông cũng cho rằng, rất cần có bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, giống như xây dựng khế ước của người dùng để thoả thuận và thống nhất với nhau những nguyên tắc chung.

"Mục đích xây dựng bộ quy tắc này không phải để hạn chế người sử dụng mà là để phát triển, mở rộng mạng xã hội. Nhưng hoạt động trên mạng xã hội phải văn hoá, nhân văn và đạo đức, lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực", ông Tuấn nói.

 Bộ trưởng Trương Minh Tuấn. Ảnh: Giang Huy 

Ngành thông tin và truyền thông hướng đến việc Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội tới đây sẽ là quy tắc chung, sau đó từng cơ quan căn cứ đặc điểm riêng của mình để quy định chi tiết. Ví dụ ở nước ngoài, tờ báo BBC có bộ quy tắc riêng cho phóng viên BBC khi tham gia mạng xã hội; quân đội các nước cũng có quy tắc chung và riêng của từng quân, binh chủng.

"Viện chiến lược sau khi tiếp thu ý kiến thì xây dựng bộ quy tắc đảm bảo ba yếu tố: ngắn, gọn, rõ để ai cũng có thể hiểu được. Mục tiêu chung là xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh trên mạng xã hội để bảo vệ chính người tham gia", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo.

"Khắc phục những hạn chế của tính cách người Việt"

Ông Đoàn Công Huynh, Cục trưởng Thông tin đối ngoại cho rằng, mạng xã hội vào ra không có biên giới và sức ảnh hưởng của nó đến đời sống thực đang là vấn đề chung của toàn cầu chứ không chỉ riêng Việt Nam. Theo ông, lâu nay mạng xã hội ở Việt Nam "không mạnh về truyền thông mà lại mạnh về cãi cọ, anh sai tôi đúng".

Với quan điểm Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội "không chỉ hướng đến những người xấu, mà hướng đến 50 triệu người dùng, thậm chí 90 triệu người Việt Nam", ông Huynh nói cần bổ sung cơ sở để xây dựng Bộ quy tắc này. Cụ thể như, nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương năm 2014 về xây dựng văn hoá, trong đó có nội dung “tìm cách khắc phục những hạn chế của tính cách con người Việt Nam”. Bộ quy tắc cũng phải đảm bảo duy trì thuần phong mỹ tục, tránh ngôn ngữ thô tục ảnh hưởng đến trẻ em trên mạng.

"Hiện có xu hướng xấu xí trên Facebook là muốn được nhiều người like, comment thì một số Facebooker dùng ngôn ngữ rất tục tằn, mặc dù họ lại là những người viết rất hay. Cần phải tránh hiện tượng này để xây dựng văn minh trong truyền thông", ông Huynh nêu vấn đề.

 Ông Đoàn Công Huynh, Cục trưởng Thông tin đối ngoại. Ảnh: Giang Huy

"Ý thức của người dùng là gốc vấn đề"

Đại diện Tập đoàn bưu chính viễn thông VNPT cho rằng, trước tình trạng thông tin xấu, độc tràn lan trên mạng xã hội, cần xây dựng công cụ hỗ trợ, lắng nghe và phát hiện hành vi ứng xử chưa đúng. Theo vị này, chỉ khi phát hiện kịp thời mới ngăn chặn được sự ảnh hưởng của những thông tin nói trên.

Cục trưởng Báo chí Lưu Đình Phúc cho biết, Facebook đang sử dụng trí tuệ nhân tạo phát hiện nội dung xấu, độc như bạo lực, khiêu dâm, lời lẽ thù địch…Tuy nhiên, trong số 2,5 triệu nội dung xấu thì chỉ phát hiện được bằng công cụ này với tỷ lệ 38%. "Dù có trí tuệ nhân tạo, admin, quản lý chặt đến mấy thì đó không phải cái gốc, mà gốc là ý thức của người dùng", ông Phúc nói.

Theo ông, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cần quan tâm đến vấn đề phát ngôn, lời lẽ, việc đăng hình ảnh, chia sẻ, thể hiện thái độ của người dùng...

Dẫn chứng quy định của nước Nga, ông Phúc cho biết "họ quy định quân nhân không được đăng tên cơ quan, phiên hiệu trên mạng xã hội, không được bật định vị trên máy di động, cơ quan hành chính thì sử dụng mạng xã hội như thế nào…".

Ngoài ra, ông Phúc cho rằng ngay trong mỗi gia đình cần tránh việc nghiện mạng xã hội, phát huy giao tiếp truyền thống, không nên chăm chú vào giao tiếp ảo.

"Bố mẹ cần quy định khi nào con được sử dụng điện thoại, tương tự, trong trường học, công ty, cơ quan báo chí cũng thế", ông Phúc góp ý.

Theo báo cáo mới nhất của tổ chức We are Social, số người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam khoảng 55 triệu người (chiếm 57% dân số), trong đó lượng người dùng mạng xã hội qua điện thoại di động là 50 triệu người. Thời lượng sử dụng internet và mạng xã hội trong một ngày của người sử dụng Việt Nam tương ứng 7 giờ và 2,5 giờ, khá cao so với khu vực và thế giới. Facebook và Youtube là những trang được sử dụng nhiều nhất với tỷ lệ 61% và 59%.

Khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội cho thấy, các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam thể hiện tập trung ở việc nói xấu, phỉ báng (61,7%), vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%), kỳ thị dân tộc (37%), kỳ thị giới tính (29,3), kỳ thị khuyết tật (hơn 21,7%), kỳ thị tôn giáo (gần 16%).