Trong các ngày 3 và 4-10, TAND TP Hà Nội đưa Khuất Văn Phú (SN 1963, trú ở xã Phúc Hòa, Phúc Thọ, Hà Nội) – nguyên Giám đốc Công ty TNHH Phú Dương ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nguyên đơn dân sự trong vụ án là Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB).
Liên quan, Nguyễn Văn Ngọc (SN 1976, trú phường Thảo Điền, quận 2, TP HCM) – nguyên Giám đốc Công ty Thép Mới; Lê Anh Nguyên (SN 1974, ở phường 5, quận 8, TP HCM) – nguyên Giám đốc Công ty Lê Tôn và Hoàng Tuấn Lê (SN 1982, trú tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM) – nguyên Phó Giám đốc Công ty Tân Nghệ An đều bị đưa ra xét xử cùng tội danh.
Quá trình tòa xử án, bị cáo Lê Anh Nguyên có đơn xin xét xử vắng mặt, đồng thời ủy quyền cho luật sư tham gia tố tụng với lý do mắc bệnh hiểm nghèo.
Khuất Văn Phú (ngoài cùng, bên phải) và các đồng phạm tại phiên tòa. |
Theo tài liệu truy tố, Khuất Văn Phú với tư cách Giám đốc Công ty TNHH Phú Dương (Công ty Phú Dương) đã sử dụng hợp đồng mua bán thép khống giữa doanh nghiệp này với các Công ty Tân Nghệ An, Công ty Thép Mới, Công ty Lê Tôn để đưa vào hồ sơ vay vốn ngân hàng.
Bị cáo Phú thỏa thuận với nhóm lãnh đạo các công ty nói trên để xuất khống hóa đơn GTGT, lập phiếu thu khống, lập khống biên bản giao nhận hàng hóa, ký khống biên bản kiểm kê hàng hóa, ký hợp đồng thuê kho ba bên sau đó tạo dựng nên bộ hồ sơ vay tiền SHB.
Theo đó, tháng 2-2008, Khuất Văn Phú đại diện Công ty Phú Dương ký hợp đồng tín dụng với SHB, hạn mức 3,5 triệu USD, tài sản bảo đảm là hàng hóa tồn kho, hàng hóa hình thành từ vốn vay. Sau đó SHB đã giải ngân cho Công ty Phú Dương theo các khế ước nhận nợ cụ thể.
Bị cáo Phú bàn bạc với Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Công ty Thép Mới để lập hợp đồng mua bán khống vay tiền ngân hàng trả nợ, hai bên ký hợp đồng mua bán 1.750.000 kg thép cán nóng, tổng giá trị hợp đồng là 23,1 tỷ đồng. Tháng 9-2008, SHB đã giải ngân cho vay hơn 16,1 tỷ đồng.
Sau đó, do cần tiền trả nợ, Phú tiếp tục đề nghị SHB cho vay vốn. Để được vay vốn, nguyên Giám đốc Công ty Phú Dương bàn với Ngọc và Lê Anh Nguyên ký các hợp đồng mua bán thép lòng vòng. Cụ thể, Công ty Tân Nghệ An bán thép cho Công ty Lê Tôn. Công ty Lê Tôn sau đó lại bán thép tiếp cho Công ty Phú Dương với số lượng 1.580.000 kg, trị giá 19,9 tỷ đồng.
Ký hợp đồng kinh tế giả tạo, bị cáo Phú đã sử dụng bộ hợp đồng này và các chứng từ mua bán liên quan đưa vào hồ sơ vay vốn SHB và được ngân hàng giải ngân 13,9 tỷ đồng… Khi vụ án bị phanh phui, các bị cáo mới khắc phục được 16 tỷ đồng, còn chiếm đoạt 13,9 tỷ đồng.
Quá trình giải quyết vụ án, cơ quan tố tụng nhận thấy, những cán bộ ngân hàng liên quan khi tham gia thẩm định, nghiên cứu và phê duyệt hồ sơ vay vốn đã không nhận biết được hành vi gian dối của bộ tứ giám đốc, phó giám đốc doanh nghiệp. Mặt khác, các cán bộ ngân hàng này đã chủ động tố giác tội phạm. Do đó, các cơ quan tố tụng không đề cập xử lý bằng hình sự.
Riêng Phạm Văn Huy - nguyên Phó trưởng phòng giao dịch SHB Cầu Giấy – người trực tiếp đi kiểm tra tài sản bảo đảm đã bỏ việc trong quá trình điều tra và đi khỏi nơi cư trú. Đến nay, cơ quan điều tra chưa xác định được nơi cư trú của người này nên tách rút hồ sơ điều tra, xử lý sau.
Với hành vi gian dối, chiếm đoạt số tiền rất lớn nêu trên và sau khi xem xét tòa diện vụ án, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Khuất Văn Phú 16 năm tù, Nguyễn Văn Ngọc 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, Lê Anh Nguyên 30 tháng tù, Hoàng Tuấn Lê 42 tháng tù.