Ngày 13/12/2017, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết về quy định thu phí, lệ phí, trong đó có việc thu phí tham quan danh lam thắng cảnh Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử (TP. Uông Bí) từ ngày 1/1/2018.
Thu phí tham quan vãn cảnh đền chùa khiến nhiều người dân không hài lòng |
Theo đó, phí tham quan danh lam thắng cảnh Khu di tích Yên Tử được áp dụng là 40.000 đồng/lần/người lớn và 20.000 đồng/lần/trẻ em. Các trường hợp được miễn phí gồm: trẻ em dưới 1,2m (hoặc dưới 7 tuổi), người khuyết tật, tăng ni, cư sỹ phật tử hoặc đại biểu Phật giáo.
Các trường hợp được giảm 50% vé tham quan gồm những người được hưởng “Chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa” theo Quyết định 170/2013/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ, người cao tuổi. Tuy nhiên, dịp Lễ hội Yên Tử vừa qua, nhiều du khách đã không hài lòng với mức phí cao như vậy.
Trước đó, năm 2015, trên địa bàn Hà Nội, UBND TP Hà Nội cũng quy định mức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn TP.Hà Nội, như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đền Ngọc Sơn, Khu Di tích Cổ Loa, Đền Quán Thánh, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Chùa Thầy, Chùa Tây Phương, Chùa Hương, Làng cổ Đường Lâm… Vầ thực tế cho thấy dù đã thực hiện được hơn 2 năm nhưng vẫn có những ý kiến trái chiều xung quanh câu chuyện thu phí tham quan ở những địa chỉ kể trên.
Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn Hà Nội |
Trước những thông tin về việc thu phí tham quan đang gây xôn xao dư luận, VietNamNet đã liên hệ với Bộ VHTTDL để đặt vấn đề và một đại diện cho hay, Bộ không được tham gia vào việc thu phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa.
“Theo Luật số 97/2015/QH13 về việc thu phí và lệ phí, Bộ Tài chính quy định đối với công trình thuộc trung ương quản lý, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với công trình thuộc địa phương quản lý. Bộ chỉ quản lý Nhà nước về chuyên môn, không quản lý tài chính” - một đại diện Bộ VHTTDL cho biết.