Bộ Y tế kiến nghị gỡ vướng trong mua sắm trang thiết bị y tế

Admin
Ngày 24/2, trước thực trạng thiếu hoá chất, vật tư, thiết bị y tế, thuốc Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ về các vướng mắc trong mua sắm và đề xuất hàng loạt giải pháp tháo gỡ.

Theo đó, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Dược, xây dựng để ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với các thuốc hiếm, cần thiết cho điều trị… Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2021/NĐ-CP để trình Chính phủ ban hành trong tháng 2/2023 với các nội dung: tăng cường cấp phép, gia hạn giấy phép nhập khẩu; chuyển phương thức quản lí giá theo nguyên tắc tôn trọng thị trường, quyền tự định giá của doanh nghiệp, niêm yết giá và kê khai theo pháp luật về giá, tăng cường công khai, minh bạch và thanh tra, kiểm tra; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính pháp lý của các hồ sơ và thông tin về thiết bị y tế gắn liền với thường xuyên hậu kiểm liên ngành; tiếp tục nghiên cứu, góp ý hoàn thiện Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi) trong đó có các nội dung phù hợp với quản lý thiết bị y tế.

 Một ca phẫu thuật tại BV Việt Đức

Bộ Y tế cũng kiến nghị Chính phủ xem xét sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2021/NĐ-CP. Bộ Tài chính tiếp tục sửa đổi Thông tư 58/2016/TT-BTC, Nghị định 51/2017/NĐ-CP.

Về khó khăn trong việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, Bộ Y tế cho biết việc cấp phép đăng kí, cấp phép nhập khẩu, kinh doanh dược gặp khó khăn do trình tự, thủ tục gia hạn đăng kí lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc được quy định cứng trong Luật Dược. Trong khi đó, quy định về quản lí dược của nhiều nước đã có nhiều sự thay đổi (đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19). Báo cáo nêu rõ: “Chi phí đầu vào gia tăng dẫn đến tăng giá một số loại thuốc, trong khi theo quy định, giá kế hoạch được tham khảo kết quả trúng thầu trước đó (trong vòng 12 tháng) nên có hiện tượng nhà thầu không tham gia đấu thầu, bỏ thầu”.

Về quản lí giá trang thiết bị y tế, Bộ kiến nghị bỏ quy định về thời điểm mua sắm (quy định tại khoản 4 Điều 44 và khoản 3 Điều 52 Nghị định số 98/2021/NĐ-CP) và chuyển hình thức quản lí chỉ một số mặt hàng thuộc danh mục quản lí phải kê khai giá thay bằng tất cả các mặt hàng như hiện nay và bổ sung quy định tất cả các mặt hàng trang thiết bị y tế phải kê khai giá trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế để công khai, minh bạch thông tin.

Để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu, kinh doanh trang thiết bị y tế, đề xuất dự thảo Nghị định quy định gia hạn thêm 1 năm hiệu lực của các giấy phép đã cấp đến hết ngày 31/12/2023. Sửa đổi, quy định rõ thêm trường hợp xử lí trang thiết bị y tế tại đơn vị sản xuất, đơn vị nhập khẩu, đang lưu hành trên thị trường hoặc đã được cơ sở y tế mua sắm sau khi bị thu hồi số lưu hành trang thiết bị y tế.

Về tham khảo giá, theo Bộ Y tế, cái khó nhất hiện nay là đơn vị không biết tham khảo thông tin xây dựng giá gói thầu thế nào là đúng, theo 3 báo giá được quy định hay tham khảo giá trúng thầu, hay thẩm định giá ngay từ khâu xác định xây dựng giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu (chưa phải qua đấu thầu). Đồng thời cơ sở y tế không thể tham khảo giá hải quan do không có thông tin, không có quy định.

Hạn chế mổ vì sắp hết vật tư, hóa chất

Từ ngày 1/3, Bệnh viện Việt Đức sẽ hạn chế các ca mổ phiên để ưu tiên vật tư, hoá chất cho việc mổ và điều trị các trường hợp cấp cứu. GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, hiện một số hóa chất tồn kho phục vụ xét nghiệm cấp cứu đã sắp hết và việc đấu thầu mua sắm gặp vướng mắc chưa thể thực hiện được. “Chúng tôi sẽ ưu tiên cho mổ cấp cứu. Bác sĩ lâm sàng sẽ đánh giá đúng tình trạng cấp cứu của người bệnh, để hồi sức, mổ cấp cứu theo quy định. Đồng thời cân nhắc ra chỉ định xét nghiệm khi thật sự cần thiết hoặc trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các khoa xét nghiệm trước khi ra chỉ định. Với trường hợp cấp cứu, yêu cầu hồ sơ bệnh án phải ghi đầy đủ tình trạng cấp cứu của người bệnh để ra chỉ định mổ cấp cứu”, GS Giang nói. Dự kiến nếu thuận lợi trong việc mua sắm thiết bị, vật tư, hóa chất trong thời gian tới thì sớm nhất khoảng 1 tháng nữa, việc mổ phiên có thể trở lại thường quy.

Tác giả: Hà Minh

Nguồn tin: Báo Tiền phong