Gắn bó bảy năm cùng Juventus, giành sáu scudetto, ba Cup Italy, và có thêm hai lần vào chung kết Champions League, Leonardo Bonucci là một huyền thoại lớn không thể tranh cãi ở Turin.
Nhưng khi trung vệ này ra đi, chỉ có đội trưởng Gianluigi Buffon nói lời tri ân qua mạng xã hội Twitter, trong phần khi còn lại thờ ơ đến lạ lùng. Ngược lại, Bonucci cũng chỉ cảm ơn đội bóng, đồng đội và các CĐV, mà "bỏ quên" HLV Max Allegri. Đó là cuộc chia ly kỳ lạ với một huyền thoại, nhưng bức màn bí mật vừa được vén lên.
"Đồng đội và đồng chí. Chúng ta đã bước chung một chặng đường, đi qua những nẻo đường thành công. Tôi chúc cậu mọi điều tốt đẹp nhất, nhưng tôi sẽ rất nhớ cậu...", Buffon viết lời tri ân Buffon trên Twitter. |
Theo một diễn đàn bóng đá uy tín về Juventus, phòng thay đồ của đội bóng đã có biến trong trận chung kết Champions League với Real Madrid. Mọi thứ xảy ra vào giờ giải lao sau khi hiệp một khép lại với tỷ số hòa 1-1. Mồi lửa nhen nhóm khi Dani Alves tiến lại chỉ trích màn trình diễn của Paulo Dybala, cho rằng anh này đá như mất hồn, ngay lập tức HLV Max Allegri bênh vực Dybala.
Như đồng tình với Alves, Bonucci nhảy vào chê bai tiền đạo người Argentina. Thấy tình hình trở nên căng thẳng, lão tướng Andrea Barzagli can thiệp, nhưng chỉ như đổ thêm dầu vào lửa. Bonucci bật người đàn anh rằng: "Anh nên đi mà lo chuyện của anh. Anh đã liên tục để Marcelo lộng hành bên cánh trái".
Barzagli đáp lại bằng cách chỉ ra rằng chính Bonucci mới là người phải chịu trách nhiệm cho bàn thua đầu tiên. Căng thẳng khiến hai bên mất bình tĩnh, lao vào xô xát. Và trong lúc cùng đồng đội nhảy vào can, Dybala ăn nguyên cái tát nảy đom đóm vào mặt từ Bonucci.
Ngọn lửa bùng phát trong phòng thay đồ ấy đã thiêu rụi ý chí của Juventus khi trở lại đá hiệp hai. Chẳng ai còn nhận ra một Juventus kiêu hùng quen thuộc nữa, họ dễ dàng gục ngã trước Real Madrid 1-4. Đội bóng ấy đã không còn chiến đấu như một tập thể đúng nghĩa.
Bonucci là công thần của Juventus, nhưng anh cũng đã mắc lỗi trong tình huống để đội nhà thua bàn đầu ở chung kết Champions League hồi tháng Năm. Đây là một nguyên nhân đẩy mâu thuẫn giữa trung vệ này với các trụ cột khác của Juventus lên đỉnh điểm. Ảnh: AFP. |
Với cá nhân Bonucci, mùa vừa qua là một mùa giải tồi tệ về mặt quan hệ. Trước trận chung kết ở Cardiff, anh từng bị Juventus treo giò nội bộ vì màn bật lại Max Allgeri ở trận gặp Palermo. Thảm bại dưới tay Real chính là giọt nước tràn ly, khiến mối quan hệ giữa anh và HLV người Livorno là không thể hàn gắn.
Khi phải đưa lên bàn cân để lựa chọn, ban lãnh đạo Juventus đã chọn Max Allegri, và đương nhiên người ra đi phải là Bonucci, hay trước đó là Dani Alves. Với Juventus, một lần nữa chính sách "cây gậy và củ cà rốt" được nhà Agnelli dùng đến như một biện pháp nhằm chấn chỉnh phòng thay đồ.
"Juventus, phải tàn nhẫn để tồn tại", là tiêu đề bài viết của cây bút Keir Radnegde trên tạp chí World Soccer số tháng 10/1985. Nội dung bài viết là chuyện nhà Agnelli tống tiễn bốn cái tên trong mùa hè gồm Marco Tardelli, Paolo Rossi, "Zibi" Boniek và Beniamino Vignola. Trừ Vignola, ba người kia đều thuộc hàng sao số ở Turin. Nhưng khi thấy cần thiết phải ra tay, nhà Agnelli - chủ sở hữu Juventus - không chút lưỡng lự.
Lý do ở đây là Gianni Agnelli - ngồi ghế Chủ tịch CLB thời điểm ấy - thấy cả bốn cầu thủ kia đều đã đạt đến điểm tới hạn cả về nhiệt huyết lẫn năng lực khi cống hiến cho Juventus. Như Boniek chẳng hạn, ông phải ra đi vì ghi bàn quá ít ở Serie A, bất chấp Gianni Agnelli gọi ông là "Bello Di Notte" (vẻ đẹp của bóng đêm) vì luôn chơi hay ở các Cup Châu Âu.
Juventus có truyền thống thanh lý những ngôi sao lớn của đội bóng, khi cảm thấy sự hiện diện của họ có thể gây tổn hại cho tập thể. Trước Bonucci, những Ravanelli, Vialli và nhiều cái tên khác cũng phải ra đi vì cùng lý do. |
Đến năm 1996, Juventus lại tiến hành một cuộc thay máu đội hình mạnh mẽ nữa khi tống ra đường Gianluca Vialli, Fabrizio Ravanelli, Pietro Vierchowod, Paulo Sousa, Massimo Carrera.
Điểm đáng chú ý cả hai cuộc thanh lọc kể trên là đều diễn ra ngay sau khi Juventus đăng quang ở Cup C1 (1985) và Champions League (1996). Vấn đề thuần tuý nằm ở chuyên môn, vì ban lãnh đạo nhận thấy những cầu thủ kia không còn phù hợp.
Ngay cả một biểu tượng Alessandro Del Piero cũng phải chia tay, khi Juventus cảm thấy điều đó là cần thiết để mở đường cho một kỷ nguyên mới. Thế nên, khi biết Alves và Bonucci ra đi, nhiều người sẽ ngạc nhiên, nhưng với những ai hiểu Juventus, đó là kết cục khó tránh khỏi sau khi hai cầu thủ này nổi loạn trong phòng thay đồ ở Cardiff.
Juventus thành công nhất trong lịch sử bóng đá Italy vì nhiều lý do khác nhau, trong đó một phần đến từ sự sắt đá vốn được kế thừa qua nhiều thế hệ lãnh đạo. Thứ phẩm chất ấy khác hẳn vẻ ủy mị của nhà Moratti dành cho Ronaldo ở Inter, sự hâm mộ thái quá của Silvio Berlusconi cho Dejan Savicevic ở AC Milan ngày nào. Vì với nhà Agnelli, góc nhìn về Juventus đơn giản cũng như hãng xe FIAT hay tờ báo La Stampa. Họ xem đội bóng và việc quản lý nó là công việc chứ không phải tình yêu.