“Lúc nào con về sẽ cùng ba chẻ tre lợp lại mái nhà”
Một ngày cận kề sự kiện lịch sử - trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988 khiến 64 chiến sỹ hải quân hy sinh, chúng tôi tìm về với vùng đất anh hùng nằm bên dòng sông Gianh, nơi sinh ra liệt sỹ Trần Văn Phương.
Căn nhà cấp 4 của mẹ Hồ Thị Đức, mẹ liệt sỹ Trần Văn Phương nằm sâu trong tổ dân phố Đơn Sa, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình.
Vừa bước vào cổng, hình ảnh chúng tôi thấy là người mẹ già ngồi dựa lưng vào hiên nhà, mắt ngấn lệ hướng về biển cả. Thấy khách lạ, mẹ Đức hỏi: “Con đến thăm thằng Phương phải không?”.
Đã 30 năm trôi qua, mẹ Hồ Thị Đức vẫn không thôi hướng về biển cả, nơi người con trai đầu lòng của mẹ đã hy sinh vì chủ quyền của Tổ quốc. |
Những ngày này, mẹ Đức lại càng nhớ con, cứ thấy người nào đến hỏi thăm, thắp nén hương cho con mình là mẹ thấy vui, như được động viên hơn. Mẹ mong ngóng từng ngày để được gặp đồng đội của con. Những người đồng đội ấy cũng giống như con mẹ, mỗi lần gặp, mẹ lại có cảm giác được ở gần con trai mẹ hơn vậy.
Mẹ Đức bảo: “Sắp đến ngày giỗ thằng Phương và đồng đội của nó rồi. Nhiều năm nay, năm nào đến ngày đó, chú Lê Hữu Thảo ở Hà Tĩnh, chú Thống ở Bố Trạch và nhiều đồng đội của thằng Phương trên chuyến tàu HQ 604 năm ấy về lại đây thắp nén nhang để tưởng nhớ đồng đội đã mất”.
Mẹ Đức năm nay đã 81 tuổi, nhưng mẹ vẫn minh mẫn lắm. Những ký ức về người con trai hy sinh nơi biển cả ngày càng in đậm trong tâm trí người mẹ già.
Những ký ức về con ngày càng in đậm trong tâm trí mẹ. |
Mẹ nói, anh Phương là con trai đầu lòng của mẹ, sau còn có 3 người em. Từ nhỏ Phương đã rất ngoan ngoãn, chăm chỉ. Hầu như mọi công việc nặng nhọc trong nhà đều đến tay Phương.
Học xong lớp 10, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng trai trẻ Trần Văn Phương lên đường nhập ngũ, sau đó được cử đi học.
Đến đầu tháng 3 năm 1988, anh được trên bổ nhiệm Phó Chỉ huy Trưởng đảo Gạc Ma.
“Tết năm 1988, thằng Phương năm đó có về ăn tết đó. Mà thương lắm, đi từ Cam Ranh về đến Đồng Hới thì không còn đồng nào trong túi. May sao lúc đó có ông tài xế xe khách người Ba Đồn cho đi nhờ về đến cầu Gianh, đến đây thì nó băng đồng về nhà với ba mạ”, kể về con, nước mắt mẹ Đức lại chảy.
Đến mồng 10 tết, anh Phương bắt xe vào lại đơn vị. Trước khi đi, anh cứ dặn đi dặn lại ba mẹ rằng, ở nhà ba mẹ nhớ cắt toóc (thân cây lúa) phơi khô, đến lúc nào con về phép sẽ cùng ba chẻ tre, kẹp tranh để sửa lại mái nhà bếp, chứ giờ mưa dột khổ ba mẹ lắm.
Mấy ngày sau đó, anh viết thư gửi về nhà, đó cũng là bức thư cuối cùng, những lời nói cuối cùng của anh với ba mẹ.
Dù không đọc được thư, nhưng mẹ Đức nhớ rất rõ toàn bộ nội dung bức thư của liệt sỹ Trần Văn Phương. |
Chừng ấy năm mẹ hướng về biển
Cầm bức thư của con trên tay, đôi mắt mẹ Đức lại ngấn lệ. Mẹ nói mẹ không biết chữ, khi có thư gửi về thì con cháu đọc cho mẹ nghe. Tuy nhiên, nội dung bức thư như thế nào mẹ lại nhớ rất rõ từng câu, từng chữ.
Mẹ nói, trong thư, có đoạn thằng Phương viết: “Tình hình ngoài này hiện nay rất nghiêm trọng, Trung Quốc đưa nhiều tàu và quân đội đến để chiếm đảo… Tối nay hoặc tối mai con lại đi tiếp. Đối với con, nhiệm vụ lên đường đi bảo vệ Tổ quốc, dù có hy sinh con cũng không sợ…”.
“…lúc ra đi con chỉ dặn ba mạ như thế này. Khi ba mạ nhận được bức thư này thì ba mạ không phải viết thư trả lời cho con nữa. Con không nhận được đâu. Bởi vì con đi chưa biết ở chỗ nào. Không có địa chỉ và ba mạ cũng đừng trông thư con nữa…”, nói đến đây, mẹ Đức khóc nghẹn.
Lúc đọc được bức thư đó, cả nhà đã có linh cảm không tốt. Bình thường thư gửi bưu điện phải 7 ngày, nhưng lần đó chỉ 3 ngày thì đã nhận được thư. Không ngờ đó lại là bức thư cuối cùng của con.
Năm nào đến ngày 14/3, những người lính Gạc Ma may mắn sống sót trở về lại về cùng mẹ Đức ra thắp nén nhanh cho con và đồng đội đã hy sinh. |
Mẹ Hồ Thị Đức có 4 đứa con trai thì 3 đứa mẹ động viên đi lính biển hết. Thằng Phương đi xong thì thằng Hồng, rồi lại đến thằng Hiệp đi. Chừ thằng Hồng qua cảnh sát biển rồi, thằng Hiệp đi xong thì về giúp mẹ làm ruộng.
Ngày 14/3 đã cận kề, mẹ nói với tôi rằng: “Hôm đó nếu con không bận gì thì ra đây với mệ cho vui nhé”.
Nói rồi mẹ lại dựa lưng vào hiên nhà, mắt hướng về biển, nơi mà con mẹ đã hy sinh vì chủ quyền của Tổ quốc. Dù đó là mất mát lớn đối với mẹ, nhưng mẹ nói rất tự hào bởi mẹ có những người con dám chiến đấu, dám hy sinh vì dân tộc.
Đã 30 năm trôi qua, sự kiện Gạc Ma như một vết sẹo chưa bao giờ ngưng rỉ máu. Tháng Ba luôn khắc khoải, nhắc nhớ những mẹ Liệt sĩ và các cựu binh Gạc Ma.