6 tháng đầu năm 2018, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá ở các tuyến biên giới Tây Nam và trên vùng biển phía Nam vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu, đường, thuốc lá. Địa bàn trọng điểm về buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển chủ yếu tại Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau và Kiên Giang; đường, thuốc lá tại Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.
Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị "Triển khai đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới các tỉnh trọng điểm Tây Nam Bộ 6 tháng đầu năm 2018" do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức ngày 19-6 tại TP HCM.
Toàn cảnh hội nghị sáng 19-6 |
Báo cáo cho thấy các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại lợi dụng những bất cập trong một số văn bản quy phạm pháp luật, sơ hở trong tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng đã tìm cách móc nối với các cán bộ đứng đầu đơn vị, người trực tiếp làm việc ở các cửa khẩu, cảng biển hoặc lợi dụng việc chuyển tải, vận chuyển xăng dầu nhập kho, gửi kho ngoại quan để hợp thức hoá đơn, chứng từ và vận chuyển hàng lậu trực tiếp đến nơi tiêu thụ. Có trường hợp đối tượng lợi dụng việc thành lập công ty, nhập khẩu hàng hoá để thuê, mượn CMND thành lập công ty "ma" ở địa phương khác để nhập lậu hàng hoá, khai báo hải quan không đúng hàng hoá. Đối tượng buôn lậu triệt để lợi dụng, lôi kéo người dân địa phương biên giới để vận chuyển hàng lậu cho họ.
Tại các cửa khẩu, cảng biển, đối tượng buôn lậu còn lợi dụng hệ thống phân luồng trong thực hiện thủ tục hải quan điện tử để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng như khai báo sai số lượng, chủng loại, xuất xứ, trị giá hàng hoá, kể cả huỷ tờ khai nếu hệ thống tự động phân luồng đỏ, hoặc uỷ thác cho các doanh nghiệp mới có uy tín làm thủ thục thông quan. Bọn chúng còn lợi dụng hoạt động tạm nhập tái xuất, hoặc quá cảnh hàng hoá để buôn lậu với số lượng lớn các mặt hàng có giá trị cao, cũng như lợi dụng các tàu chuyên tuyến để nhập lậu hàng hoá.
Đối với thuốc lá, đối tượng buôn lậu tập kết hàng về sát biên giới, chia nhỏ, thuê "cửu vạn" tìm cách vận chuyển qua biên giới theo đường mòn, lối tắt. Trên biển, các đối tượng trà trộn vào ngư dân để vận chuyển thuốc lá lậu vào bờ. Họ còn lợi dụng quy định pháp luật như chia nhỏ dưới 1.500 bao thuốc lá/người để tránh bị xử lý hình sự khi bị bắt, vận chuyển nhỏ lẻ nhưng được thực hiện nhiều lần trong ngày. Bọn buôn lậu còn ràng buộc trách nhiệm với người vận chuyển thuê là phải đặt cọc ½ giá trị lô hàng trước khi vận chuyển.
Đối với mặt hàng đường cát nhập lậu, các đối tượng sử dụng bao bì, nhãn mác của các nhà máy sản xuất đường cũng như công ty kinh doanh trong nước, tự in ấn bao bì hoặc sử dụng vỏ bao gạo để đưa sang Campuchia thay vỏ bao đường Thái Lan, đồng thời sử dụng đủ mọi phương tiện để tuồn hàng vào Việt Nam và cả quay vòng hoá đơn.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo tại hội nghị |
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Công việc này không phải riêng của lực lượng nào mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, trong đó lực lượng chức năng phải là nòng cốt. Cần tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan để có biện pháp phù hợp trong công tác này. Đồng thời, cần quan tâm cũng như tạo công ăn việc làm cho người dân vùng biên giới để đối tượng buôn lậu không còn cơ hội để lôi kéo.