Tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901
|
Ở ga tàu có lịch sử cả trăm năm
Điểm đầu tiên của tuyến là ga Hà Nội, điểm cuối là ga Hải Phòng. Ga Hà Nội tên cũ là ga Hàng Cỏ, từng là nhà ga lớn nhất Đông Nam Á bấy giờ và là một trong những tòa nhà ấn tượng nhất của Hà Nội thời thuộc Pháp. Đoạn đường sắt từ ga Hà Nội đến ga Long Biên có đoạn được xây bằng đá với những vòm cong cổ điển rất tinh tế. Những mái vòm này từng bị bít lại, giờ được trang trí bằng những bích họa theo phong cách tả thực rất bắt mắt trên phố Phùng Hưng.
Cầu Long Biên cổ kính, bằng tuổi với tuyến đường sắt là một điểm nhấn ấn tượng trên hành trình xe lửa từ Hà Nội về Hải Phòng. Tàu vượt sông Hồng, nhìn xuống thấy nước sông đỏ ngầu phù sa. Những bãi bồi dưới sông, chỗ thì cong dẹt như một cái lưỡi trâu rừng khổng lồ với những vạt cỏ mượt như nhung, chỗ thì trải dài thướt tha với bãi ngô, bãi chuối, rau cải, rau xà lách… Thỉnh thoảng lại thấy một con thuyền bạc thếch, phơ phất của dân ngụ cư nghèo ở những rạch nước đục ngầu sát với chợ đầu mối Long Biên như một nỗi mơ hồ khó tả.
Ở ga Long Biên có một người đàn bà bé quắt, chuyên bán hàng rong trên tàu. Thấp bé nhưng bà lại đeo trên mình một cái túi vải rất to và dài, giọng thì đanh vang khắp các toa. Người phụ nữ này kiên nhẫn mời từng khách đi tàu mua hàng nhưng nếu có ai có trả thêm tiền cho những gói kẹo lạc, bánh quy, chai nước ngọt bà cũng không lấy. Cái dáng thấp bé, khô đét, chất giọng khàn đanh và cái túi to bự kéo lê suốt các khoang tàu là hình ảnh quen thuộc với hành khách ở cái ga tàu có lịch sử cả trăm năm.
Chút phồn hoa đô hội đến Cẩm Giàng
Hành trình của tàu Hà Nội - Hải Phòng đi qua những vùng đất màu mỡ của đồng bằng Bắc bộ, cụ thể là địa giới của 4 địa phương: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Qua ga Gia Lâm, tàu chạy chừng một tiếng thì đỗ ở ga Cẩm Giàng, rất gần trại Cẩm Giàng của dòng họ Nguyễn Tường ngày xưa. Vợ chồng ông Nguyễn Tường Nhu, bà Lê Thị Sâm đẻ ra 7 người con, 6 trai 1 gái thì 3 người trở thành những nhà văn nổi tiếng: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam.
Tàu qua Cẩm Giàng vào những buổi tối, tôi cứ nhớ đến hình ảnh của hai chị em Liên và An trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam. Hai đứa bé ấy cứ ngồi chờ đợi đến tận đêm khuya, đợi ánh sáng của con tàu từ Hà Nội đi qua mang một chút phồn hoa đô hội ập đến, như một sự khuấy động gần như duy nhất tới một vùng quê nghèo khó yên bình. Hai đứa trẻ ấy bán được vài món đồ nhỏ, bà cụ Thi gần như điên dại uống một cút rượu rồi bỏ đi… Ngôi nhà lưu niệm các văn nhân của “Tự lực văn đoàn” rất gần ga Cẩm Giàng nhưng khu dinh trại xưa của họ Nguyễn Tường giờ chỉ còn là một khu nhà cấp bốn cũ kỹ trơ ra với thời gian. Một cái ao nước xanh leo lẻo vì tảo lục, khu vườn hoang vắng, ẩm ướt như còn lưu dấu những ngày anh em họ Nguyễn ở đấy. Có người quả quyết rằng, chính là ngôi nhà nằm bên ga Cẩm Giàng là nơi Thạch Lam đã viết thiên truyện ngắn nổi tiếng “Dưới bóng hoàng lan”, với một niềm thương nhớ khôn nguôi người em gái hàng xóm thời thơ ấu...
Tuyến đường sắt có tuổi đời cả trăm năm lịch sử |
Đặc sản trên hành trình chuyến tàu xập xình qua
Ở ga Hải Dương người ta bán rất nhiều đặc sản địa phương. Nổi tiếng nhất là bánh gai Ninh Giang, bánh đậu xanh Hải Dương… Tàu vừa đỗ là các bà, các chị bán bánh gai, bánh đậu xanh, ngô luộc, xôi ùa đến.Tiếng tíu tít mua bán, tiếng người chào hỏi, tiễn biệt ồn ã và hình như ai cũng tranh thủ mua một món gì đó về làm quà.
Nếu ai hay đi tàu trên tuyến đường này sẽ thấy một đặc sản nữa mà ở trên tàu, hành khách mới có cơ hội thưởng thức. Đó là món bánh giò trứ danh. Bánh giò ở đây cực mềm và thơm, nhân thịt băm nhuyễn béo ngậy bọc trong lớp bánh trắng mịn, thơm lừng. Cắn một miếng bánh là thấy đủ cái thơm thức, mềm ngọt của nó. Tôi đã từng ăn bánh giò ở nhiều nơi nhưng hình như chỉ món bánh giò trên tàu đêm là ngon nhất. Không biết có phải vì đói hay cái khứu giác đã được lưu một niềm mong nhớ nào đấy mà cứ đến tầm ấy là đói cồn cào và mùi bánh ào đến thơm phức không thể cưỡng nổi.
Cái thú đi tàu đêm là thỉnh thoảng nhìn qua cửa sổ tối om thấy những ánh đèn tỏ mờ của người gác ghi như một cảnh huyền hoặc. Tàu xuyên vào đêm nhưng những đốm sáng của cuộc sống thường ngày vẫn lọt ô cửa sổ. Ga Cẩm Giàng, Hải Dương, Thượng Lý, Hải Phòng khi thức khi ngủ còn ga Hà Nội không ngủ bao giờ. Dù có xuống ga vào lúc tờ mờ sáng thì vẫn thấy những hàng quán sáng ánh đèn. Khách xuống ga sáng sớm tranh thủ xì xụp một bát phở hoặc nhâm nhi một chén trà nóng cho ấm người. Ở trong ga tàu lúc sáng sớm hoặc đêm khuya luôn cảm thấy có một không gian rất lạ lẫm xâm chiếm…
Đi trên tuyến đường sắt có cả trăm năm lịch sử, lắng nghe tiếng gọi của thời gian, trời đất và tận hưởng những khoảnh khắc êm đềm. Cảm giác bồi hồi sắp được về với gia đình, người thân làm người ta cởi mở, rộng lượng với nhau hơn. Và trên những chuyến tàu ấy, đã có bao cuộc gặp gỡ, bao câu chuyện được sẻ chia và cả những mối tình lãng mạn, thơ mộng đang và đã bắt đầu. Những chuyến tàu chạy từ quá khứ để kết nối hiện tại để cuộc sống thêm thuận tiện, yên bình!