Chưa bao giờ dòng tiền vào thị trường lại sôi sục như trong phiên giao dịch ngày 25/1. Sau 2 phiên ngừng giao dịch do lỗi kỹ thuật trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), dòng tiền dồn nén ầm ập đổ vào hầu hết các cổ phiếu chủ chốt.
Gần 16.000 tỷ đồng đã được trao tay trong phiên giao dịch lịch sử, một con số lớn hơn rất nhiều so với giấc mơ 10.000 tỷ đồng/phiên của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực và nhà quản lý thị trường.
Sau một thời gian dài trắm lắng, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai - HAGL của chủ tịch Đoàn Nguyên Đức đã bất ngờ bùng nổ trong phiên giao dịch kỷ lục. Tổng cộng có tới gần 21,6 triệu cổ phiếu HAG đã được chuyển nhượng. Cổ phiếu HAG tăng trần lên 8.490 đồng/cp.
Cái tên Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT của CTCP Hoàng Anh Gia Lai lại được nhắc đến sau một thời chìm khuất, doanh nghiệp chìm trong nợ nần ngàn tỷ và phải bán tài sản để tái cấu trúc.
|
Mặc dù cổ phiếu tăng trần trở lại trong phiên giao dịch 25/1 nhưng giá HAG vẫn ở mức rất thấp, ngang bằng so với 1 năm trước đó. HAG tiếp tục là cổ phiếu hiếm hoi có thị giá dưới 10.000 đồng/cp. Trong khi hàng loạt các cổ phiếu trụ cột trên sàn đã một vài lần, nhiều mã lên tới 100.000-300.000 đồng/cp.
Trong vài năm gần đây, ông Đoàn Nguyên Đức có nhiều hành động rất quyết liệt nhằm tái cơ cấu HAGL. Bầu Đức đã bán toàn bộ mảng mía đường cho các doanh nghiệp nhà ông Đặng Văn Thành. Doanh nghiệp của đại gia phố núi trước đó cầm cố gần như tất cả các tài sản của tập đoàn, từ nhà đất bất động sản, vườn cây, trụ sở, công trình học viện bóng đá, công trình Đại học Y dược HAGL, các tài sản thành từ vốn vay dự án nuôi bò, các vườn cao su tại Lào, Văn phòng làm việc Hội sở chính HAGL, tổng tài sản hình thành trong tương lai từ dự án “Trung tâm thương mại HAGL tại Myanmar”… và hàng chục triệu cổ phiếu của chính ông Đức và vợ…
Trên thực tế, khối nợ của HAGL đã giảm dần nhưng vẫn còn rất lớn. Ở vào thời điểm này, HAGL vẫn đang đối mặt với tổng nợ lên tới 35 ngàn tỷ đồng, cao gấp đôi vốn chủ sở hữu, trong đó nợ ngắn hạn lên tới hơn 11,4 ngàn tỷ đồng.
Bầu Đức nổi tiếng là người đam mê bóng đá. Từ đầu những năm 2000, ông Đức đã bỏ ra cả chục tỷ đồng mỗi năm để đầu tư cho bóng đá. Trong thành phần U23 đang gây bão khắp châu Á có nhiều thành viên trưởng thành từ lò đào tạo HAGL mà ông vẫn thân mật gọi là các cháu.
Ông Đức là người tạo nhiều cái tên nổi tiếng của bóng đá Việt Nam như Công Phượng, Tuấn Anh, Lương Xuân Trường. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai liên tục được dùng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay của công ty bầu Đức.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong vài năm gần đây nhưng ông Đoàn Nguyên Đức vẫn dành khá nhiều thời gian và tiền bạc cho bóng đá. Ông chính là người đã vị huấn luyện viên Hàn Quốc Park Hang-seo về ngồi vào chiếc ghế nóng ở đội tuyển Việt Nam thay cho ông Nguyễn Hữu Thắng.
Trong khi cổ phiếu HAG đứng ở mức thấp thì hàng loạt các cổ phiếu blue-chips vẫn đang tăng dữ dội. VJC của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã lên sát ngưỡng 200.000 đồng/cp. Petrolimex cũng lên tới gần 100.000 đồng/cp. Cổ phiếu Vietcombank (VCB) lên gần 70.000 đồng/cp…
Nối tiếp các thương vụ tỷ USD, một ông lớn ngàn điện trị giá hơn 1 tỷ USD cũng sắp ra mắt. Cụ thể, cổ phiếu EVNGENCO 3 sẽ IPO ngày 9/2 với giá khởi điểm là 24.600 đồng/cổ phần, sáu đó ngày ngày 15/3 sẽ chọn nhà đầu tư chiến lược.
Vốn điều lệ của EVNGENCO3 tại thời điểm CPH được xác định là 20.809 tỷ đồng. Sau CPH, EVN vẫn nắm giữ là 1.061.300.000 cổ phần, tương đương 51% vốn điều lệ. Trong 49% vốn điều lệ còn lại, EVNGENCO 3 sẽ bán đấu giá công khai 12,8355 % vốn điều lệ, tương đương hơn 267 triệu cổ phần; bán cho nhà đầu tư chiến lược 36% vốn điều lệ, tương đương hơn 749 triệu cổ phần. Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động là hơn 3,4 triệu cổ phần, chiếm 0.1645% vốn điều lệ. Hiện đã có 4 nhà đầu tư từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Đông, Thái Lan ngỏ ý muốn mua lại 36% vốn để trở thành cổ đông chiến lược của ngành điện.
Thị trường chứng khoán tiếp tục sôi sục với sức cầu rất lớn từ khối ngoại. Trong phiên 25/1, khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 700 tỷ đồng.
Trước đó, đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/1, VN-index tăng 17,15 điểm lên 1.104,57 điểm; HNX-Index tăng 0,36 điểm lên 126,62 điểm. Upcom-Index tăng 0,03 điểm lên 59,93 điểm. Thanh khoản đạt 615 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt 16,2 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.