Giáo dục

Các chuyên ngành về tiếng Anh, có gì khác biệt?

Có phải sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh đều có thể dạy học, làm phiên dịch viên hoặc trở thành hướng dẫn viên du lịch…?

Thực tế không đơn giản như bạn nghĩ, vì dù là cùng học tiếng Anh, nhưng mỗi chuyên ngành sẽ có định hướng khác nhau, tùy vào sở thích và năng lực mà bạn có thể lựa chọn giữa Ngôn ngữ Anh, Sư phạm Anh và Phiên dịch

Ba anh em - mỗi người một vẻ

Nếu ví Anh ngữ như một người mẹ thì các ngành Sư phạm Anh, Ngôn ngữ Anh và Phiên dịch tiếng Anh thương mại là ba người con với những đặc trưng rất khác nhau.

Ngành Ngôn ngữ Anh đòi hỏi bạn phải tiếp thu phạm trù kiến thức rất rộng, không chỉ cách sử dụng tiếng Anh mà còn có những kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội của các đất nước sử dụng tiếng Anh trên thế giới. Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh thường tập trung nghiên cứu, phân tích các tác phẩm văn học tiếng Anh, đây là nền tảng cho các bạn khi ra trường sẽ trở thành nhà văn, nhà báo, hoặc chuyên gia nghiên cứu ngôn ngữ.

Ngành Sư phạm Anh ở Việt Nam về mặt kiến thức sẽ tập trung vào nghiên cứu ngữ pháp và từ vựng, là nền tảng quan trọng phục vụ cho công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, khi vào chuyên ngành, sinh viên ngành Sư phạm Anh sẽ được học về các bộ môn như tâm lý giáo dục, phương pháp giảng dạy, nghiệp vụ sư phạm, với mục tiêu phục vụ cho công tác giảng dạy là chủ yếu.

Khác với hai ngành trên, ngành Phiên dịch Tiếng Anh thương mại là một chuyên ngành khá đặc biệt khi tập trung đào tạo các bạn sử dụng tiếng Anh một cách thuần thục như người bản xứ thông qua các tình huống thực tế, chú trọng rèn luyện 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Về mặt kiến thức, sinh viên ngành Phiên dịch Tiếng Anh thương mại được bổ trợ nhiều kiến thức thuộc mảng kinh tế như marketing, tài chính – kế toán, quản trị, luật, nhân sự…Điều này tạo nhiều lợi thế cho các bạn khi làm việc tại các doanh nghiệp, công ty đa quốc gia trong tương lai.

img20160618102204410
Ngành Phiên dịch Tiếng Anh thương mại được bổ trợ nhiều kiến thức thuộc mảng kinh tế như marketing, tài chính – kế toán, quản trị, luật...

“Đầu ra” là ba ngã rẽ khác nhau

Dù cùng có nền tảng tiếng Anh tốt, nhưng cơ hội nghề nghiệp của sinh viên 3 ngành: Ngôn ngữ Anh, Sư phạm Anh và Phiên dịch tiếng Anh thương mại không giống nhau, do sự khác biệt từ mục tiêu đào tạo.

Ngôn ngữ Anh mang tính học thuật, nên công việc của các bạn sinh viên sau khi ra trường sẽ chủ yếu thiên về nghiên cứu. Tất nhiên, đối với những bạn thích ứng nhanh được với môi trường làm việc mới thì cũng có thể rẽ sang những hướng đi khác như giảng dạy hoặc biên, phiên dịch…tùy theo mong muốn của mỗi người.

Tương tự như vậy, sinh viên ngành Sư phạm Anh phần lớn phù hợp với công việc giảng dạy tại các trường học, trung tâm ngoại ngữ do được đào tạo nhiều về nghiệp vụ sư phạm. Việc theo đuổi sự nghiệp giảng dạy đòi hỏi bạn phải là người yêu nghề giáo, kiên nhẫn và biết cách truyền đạt kiến thức cho người khác.

Việc tìm hiểu chương trình đào tạo của các ngành học trước khi đăng ký thi ảnh hưởng không nhỏ đến “đầu ra” của nhiều bạn trẻ. N.T.M.T (Quận 1) là nhân viên văn phòng tại công ty nước ngoài, tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh, chia sẻ: “Trước đây, mình không hiểu rõ sự khác biệt giữa ngành Ngôn ngữ Anh và Phiên dịch Tiếng Anh thương mại nên đã không tìm hiểu kỹ trước kỳ thi tuyển sinh Đại học- Cao Đẳng. Sau khi tốt nghiệp, mình phải bồi dưỡng thêm kiến thức về thương mại, kinh tế để hỗ trợ công việc”.

img20160618102204659
Sinh viên tốt nghiệp sư phạm Anh đa phần làm công việc giảng dạy

Nhờ chú trọng vào đào tạo kiến thức thực tế và dễ dàng ứng dụng, ngành Phiên dịch Tiếng Anh thương mại giúp sinh viên có được cơ hội việc làm khá rộng mở so với 2 ngành còn lại. Với nền tảng kiến thức về thương mại, kinh tế vững chắc cùng khả năng sử dụng ngoại ngữ thành thạo cả 4 kỹ năng: nghe – nói – đọc – viết, nên sinh viên ngành này dễ dàng hòa nhập vào môi trường doanh nghiệp, công ty đa quốc gia, điều mà không phải một sinh viên ngành tiếng Anh nào cũng làm được. Bên cạnh đó, các vị trí như biên – phiên dịch, hướng dẫn viên du lịch hay tiếp viên hàng không cũng không thể làm khó được sinh viên ngành Phiên dịch Tiếng Anh thương mại do tính ứng dụng thực tế cao của ngành này.
img20160618102204917
Tốt nghiệp ngành Phiên dịch Tiếng Anh thương mại, sinh viên có cơ hội làm việc tại các công ty đa quốc gia.

Nhìn chung, mỗi ngành đều có những đặc điểm và ưu thế riêng, Ngôn ngữ Anh phù hợp với những bạn yêu thích nghiên cứu học thuật, những bạn thích công việc giảng dạy có thể lựa chọn ngành Sư phạm Anh, còn với những bạn có nguyện vọng làm việc trong các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia, với cơ hội nghề nghiệp đa dạng, phong phú thì có thể chọn ngành Phiên dịch Tiếng Anh thương mại.

Tác giả bài viết: Saga

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP