Căn bệnh gia tăng cận Tết, gây tử vong cao hơn bệnh ung thư

Lan Anh
Cận Tết Nguyên đán, thói quen ăn uống thả ga, căng thẳng, quên uống thuốc sẽ làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.

Số lượng bệnh nhân đột quỵ nhập viện tăng

Mới đây, bệnh nhân N.T.T (48 tuổi, trú tại quận 5, TP.HCM) được người thân đưa vào cấp cứu trong tình trạng yếu liệt nửa người, không nói được. Theo người nhà, tối trước khi vào viện, bệnh nhân đi liên hoan tất niên. Khi đi nhậu về, vợ con thấy sức khỏe anh T. bình thường và ngủ riêng.

Đến sáng, vợ anh dậy trước đưa các con đi học và đi làm. Đến trưa trở về thì anh T. đã mê man, liệt, tiểu tiện không kiểm soát. Khi gọi xe cấp cứu tới bệnh viện mới biết anh T. bị đột quỵ, quá giờ vàng can thiệp bằng thuốc tiêu sợi huyết. Vợ anh T. chia sẻ, chồng bị tăng huyết áp nhưng gần đây đã tự ngưng uống thuốc.

uong-bia-ruou1-1705465530.jpg

Thói quen ăn uống thả ga, sử dụng nhiều rượu bia làm tăng nguy cơ mắc bệnh (Ảnh minh họa)

Đột quỵ hiện nay là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cao hơn cả bệnh ung thư. Trong khi đó thời điểm Tết có rất nhiều bệnh nhân đột quỵ được đưa vào cấp cứu.

Bác sĩ CKI Đào Duy Khoa – Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, đang vào mùa Tết số ca đột quỵ nhập viện tăng rõ hơn so với các tháng trước.

Theo bác sĩ Khoa, nguyên nhân khiến đột quỵ gia tăng mùa Tết là do các yếu tố như thời tiết Tết trùng với mùa lạnh. Mùa lạnh thì tỷ lệ đột quỵ tăng nhiều so với mùa nóng. Dịp Tết rơi vào mùa lạnh nên làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Thứ hai, Tết người dân thay đổi thói quen sinh hoạt như thức khuya, đi chơi xa, ăn uống cũng thay đổi. Nhiều người ngủ nghỉ không đúng giờ, quên mang thuốc, quên uống thuốc… Điều này ảnh hướng xấu đến những người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp (các bệnh này là các yếu tố nguy cơ của đột quỵ).

Thứ ba, Tết mọi người sẽ sử dụng nhiều bia rượu và đây cũng là yếu tố góp phần làm gia tăng nguy cơ đột quỵ.

Triệu chứng của đột quỵ là đột ngột méo miệng, nói đớ, liệt nửa người. Các triệu chứng này rất đơn giản tuy nhiên nhiều người vẫn nhầm lẫn, họ cho rằng bị trúng gió, bị mệt, bị cảm.

Tuy nhiên, nhiều người còn có cách xử lý sai lầm khi cấp cứu đột quỵ như cạo gió, chích máu, cúng bái, uống thuốc truyền miệng, chờ cho người bệnh khỏe lại… Đây là những nguyên nhân khiến người bệnh không được cấp cứu đúng cách và kịp thời, gây nhiều hậu quả đáng tiếc.

Bác sĩ Khoa cũng tiếp nhận nhiều người bệnh có dấu hiệu liệt yếu tay chân từ hai, ba hôm trước nhưng bệnh nhân thấy bình thường nên cố chịu và đến khi tình trạng nặng hơn mới vào viện. Bác sĩ Khoa cho rằng thói quen trong dân gian là "ráng chờ đợi" xem tình trạng có đỡ hơn không mới vào viện khiến người bệnh mất thời gian vàng để can thiệp cấp cứu đột quỵ.

benh-dot-uy2-1705465653.jpg

Gia tăng bệnh nhân mắc đột quỵ những ngày Tết cận kề (Ảnh: BSCC)

Phòng bệnh đột quỵ như thế nào?

Để phòng bệnh thì phải tìm ra các yếu tố nguy cơ dễ gây ra đột quỵ, cụ thể là tầm soát đột quỵ. Có thể tầm soát các yếu tố nguy cơ này, phát hiện ra nó và điều trị ngay từ đầu để phòng ngừa đột quỵ. Ví dụ như người mắc bệnh cao huyết áp cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để xem bản thân có mắc bệnh tăng huyết áp hay không. Bởi vì có nhiều người bị tăng huyết áp nhưng không biết và nhiều năm sau, khi xảy ra biến chứng đột quỵ mới hay mình mắc bệnh phải căn bệnh "sát thủ âm thầm" này.

"Đột quỵ có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra. Người ta chia ra làm 2 nhóm: Các yếu tố nguy cơ không điều chỉnh được: tuổi tác, giới, chủng tộc,...; Các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được: tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol, hút thuốc lá, bia rượu,... Tuổi tác là một yếu tố nguy cơ không điều chỉnh được, tuổi càng cao nguy cơ đột quỵ càng lớn", bác sĩ Khoa cho biết.

Cũng theo bác sĩ Khoa, các yếu tố liên quan tới lối sống, thói quen không tốt như hút thuốc lá, uống bia rượu, lười vận động,… là các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được. Bạn có thể thay đổi ngay từ hôm nay bằng cách tuân thủ lối sống lành mạnh, không chờ tới khi có bệnh mới vào viện, lúc đó đã muộn. Với người có yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp... cần kiểm soát bệnh thật tốt.

"Trường hợp bạn may mắn không có các nguy cơ của đột quỵ thì nên duy trì thói quen sinh hoạt và lối sống lành mạnh, khoa học, nên tập thể dục đều đặn, hạn chế bia rượu, bỏ thuốc lá và kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm để phòng căn bệnh chết người này", bác sĩ Khoa khuyến cáo.