Cần biết trước dịp 30/4: Bóc trần mánh khóe 'ém hàng' nhà nghỉ, khách sạn vào ngày nghỉ lễ

Lợi Trần
Khách du lịch đổ xô đến các điểm vui chơi, bãi biển dịp nghỉ lễ khiến phòng nghỉ, khách sạn bị thiếu chỗ trầm trọng. Lợi dụng điều này, không ít khách sạn, nhà nghỉ cố tình tăng giá, \"ém\" phòng để \"chặt chém\" được giá cao hơn.

Sắp tới, cả nước sẽ bước vào nghỉ lễ 30/5 - 1/5, đây được xem là kỳ nghỉ dài trong năm, vậy nên các gia đình đều tranh thủ đi chơi, du lịch đó đây. Tình trạng khách du lịch đổ xô đến các điểm vui chơi, bãi biển xảy ra thường xuyên nên dẫn đến tình trạng thiếu phòng nghỉ, khách sạn, nhiều người sẵn sàng chấp nhận trả giá cao để có được một phòng nghỉ cho gia đình. Việc này khiến không ít khách sạn, nhà nghỉ cố tình tăng giá, "ém" phòng để "chặt chém" được giá cao hơn.

Tại các điểm du lịch lớn như TP Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng, Sầm Sơn, Đồ Sơn... thời điểm nghỉ lễ 30/4 - 1/5 là lúc giá tiền thuê phòng nghỉ đặc biệt cao nếu không có sự chuẩn bị chu đáo từ trước. Theo kinh nghiệm của nhiều người, để tránh tình trạng "bơ vơ không nơi về" khi đến điểm du lịch, họ chủ động liên hệ đến khách sạn trước kỳ nghỉ cả tháng để đặt phòng. Nhưng không phải ai cũng may mắn có được phòng nghỉ đúng giá niêm yết. Thực tế nhiều nhà nghỉ - khách sạn thông báo hết chỗ đặt trước để giữ phòng. Chỉ cần đợi đến đúng thời điểm kỳ nghỉ, bung phòng cho khách thuê trọ sẽ được giá cao hơn.

Nhiều khách sạn tung chiêu từ chối đặt phòng trước, "ém" phòng cho dịp nghỉ lễ để lấy giá cao

Gia đình 5 người của chị Mỹ Phượng (TP Vinh, Nghệ An) đi du lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 tại biển Đồ Sơn (Hải Phòng) cũng choáng váng khi tìm thuê phòng nghỉ ở khu du lịch. Chị cho biết, vì việc đi chơi ở Đồ Sơn đã được vợ chồng anh chị dự tính từ đầu năm nên đã chủ động liên hệ đến một số khách sạn để đặt phòng trước nửa tháng. Nhưng gọi đến đâu cũng chỉ nhận được câu trả lời là phòng cho kỳ nghỉ đã được đặt hết, nếu muốn thuê thì đến trực tiếp khách sạn, nếu có khách trả phòng thì sẽ cho thuê. Một số khách sạn thông báo còn phòng thì nâng giá thuê cao ngất ngưởng, không dưới 1 triệu/phòng/đêm.

Chị Phượng cho hay: "Mình gọi cho hơn 10 khách sạn thì đều nhận được câu trả lời là không còn phòng cho thuê, mất nửa ngày trời cũng không đặt nổi khách sạn để nghỉ. Mình liên hệ đến cậu em họ hàng xa ở Đồ Sơn để nhờ thuê phòng trước thì mới biết, hóa ra những khách sạn này đều đang "ém" phòng đợi đến kỳ nghỉ lễ mới cho thuê để được giá cao, mọi đơn đặt phòng trước vào đúng dịp nghỉ lễ đều được từ chối hết, vì nếu đặt trước giá phòng sẽ rẻ hơn".

Ngẫm thấy tiền thuê phòng nghỉ đắt khủng khiếp, chưa kể nếu chấp nhận đến thuê phòng đúng trong dịp nghỉ lễ thì chưa chắc đã có phòng, chị Phượng quyết định quay sang mua tour du lịch cho cả nhà, tính ra cũng không đắt hơn việc tự túc ăn uống, thuê phòng nghỉ là bao nhiêu. Thậm chí còn không phải lo nghĩ việc tìm nơi ăn chốn ở.

Nói đến những mánh "ém phòng" của các khách sạn, nhà nghỉ dịp nghỉ lễ, chị V.Phúc - nhân viên khách sạn HBK tại thị xã biển Cửa Lò (Nghệ An) cho biết: "Khỏi cần nói cũng biết giá phòng dịp nghỉ lễ ở các khu du lịch biển cao đến mức nào. Đây là mùa kiếm tiền nên ai cũng muốn thu về nhiều cả, các phòng nghỉ thì có hạn trong khi khách du lịch đến thuê đông vô kể, họ sẵn sàng tung tiền triệu để có được chỗ ngủ nghỉ, tắm rửa qua đêm. Thế nên, dù khách sạn có đưa ra giá cao đến mấy thì cũng sẽ có khách thuê thôi. Vậy nên việc từ chối các đơn đặt phòng trước thường xuyên xảy ra. Khi khách gọi điện đặt phòng thì thông báo hết phòng, nếu khách đấy đến thuê đúng thời điểm dịp nghỉ lễ hỏi vặn vẹo tại sao còn phòng trống thì mình chỉ cần bảo có khách mới trả lại phòng".

 

Những căn phòng nghỉ như thế này ngày thường chỉ có giá thuê từ 300.000 - 400.000 đồng, thì vào ngày nghỉ lễ có giá thuê đến cả triệu đồng, ngang với những căn phòng khách sạn đẳng cấp

Chị Phúc cũng "bóc" thêm mánh khóe trả lời khách đặt phòng trước của lễ tân: "Khách gọi đặt phòng cách kỳ nghỉ 1 - 2 tháng thì báo là khách sạn chưa đặt lịch đến thời điểm đấy. Khách đợi đến 1 - 2 tuần sau gọi lại thì báo là đã hết phòng. Nhưng thực tế vẫn còn cả dãy phòng để trống cho thuê. Nếu cho khách đặt trước thì giá phòng chỉ độ 300.000 - 500.000 đồng/phòng/đêm thôi, nhưng nếu cho thuê vào đúng dịp nghỉ lễ thì phòng sập sệ đến mấy đi nữa, dù nâng lên 1 - 1,5 triệu/phòng/đêm thì vẫn có khách đến thuê. Thậm chí còn có cảnh chủ khách sạn cho đấu giá phòng, ai trả cao hơn thì người ấy được thuê nữa".

Từng có những vị khách phải mếu mặt vì trả tiền phòng khách sạn lên đến 1,5 triệu/đêm, nhưng đổi lại là 1 căn phòng chỉ rộng 20m2, gồm 2 giường đơn kê sát, 1 tivi đã cũ, không có điều hòa, chỉ có quạt trần và bộ bàn ghế gỗ nhỏ để uống nước. Chưa kể phụ thu thêm trẻ em 300.000 đồng/người, như vậy đối với 1 gia đình 4 người sẽ phải trả hơn 2 triệu đồng cho 1 phòng/đêm, chi phí bỏ ra cho 4 ngày nghỉ sẽ đội lên cao khủng khiếp.

Chị Phúc cũng cho biết, chiêu "ém" phòng này chủ yếu chỉ dùng cho các khách sạn trung bình và nhỏ, còn các khách sạn lớn có tên tuổi "mặt mũi" thì thường làm ăn rất giữ chữ tín, không nâng giá niêm yết và vẫn nhận khách đặt phòng trước đến khi hết phòng.

Dựa theo kinh nghiệm của chị Phúc, khách du lịch thay vì liên hệ đến các khách sạn đặt phòng qua miệng thì nên lên các trang du lịch điện tử, hỗ trợ đặt phòng khách sạn như agoda, booking... để đặt phòng. Hệ thống đặt phòng tại các trang này chặt chẽ, giá thuê thường đúng với giá niêm yết, nếu có tăng lên cũng sẽ không đáng kể. Hoặc có thể liên hệ đến các công ty du lịch để sử dụng các gói dịch vụ du lịch, trong đó có thể có dịch vụ đặt phòng, phí phải trả cho những công ty này chắc chắn không cao bằng số đội lên khi bị chặt chém.