Cán bộ cấp cao cũng vi phạm khi kê khai tài sản

Admin
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện và xử lý 3 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cấp cao, ở các tỉnh Đồng Nai, Yên Bái.

 Uỷ ban Tư pháp tổ chức phiên họp toàn thể

Không công khai nội dung phải công khai

Chiều 5/9, tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Uỷ ban Tư pháp, báo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 của Thanh tra Chính phủ cho biết: Qua kiểm tra tại 3.622 cơ quan tổ chức đơn vị, đã phát hiện 22 đơn vị có vi phạm.

Kiểm tra cho thấy còn tình trạng lạm dụng quy định về bí mật nhà nước để không công khai những nội dung cần phải công khai, minh bạch hoặc thu hẹp đối tượng, hình thức công khai, gây khó khăn cho việc tiếp cận thông tin của người dân và doanh nghiệp.

Về minh bạch tài sản, thu nhập, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là hơn 1,1 triệu người, tỷ lệ kê khai và công khai đều trên 99,8%. Trong đó có 77 người được xác minh tài sản, thu nhập, bao gồm Bộ NN&PTNT, Quốc phòng, Công Thương, Thành phố Hà Nội, Yên Bái, Đồng Nai.

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện và xử lý 3 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cấp cao, ở các tỉnh Đồng Nai, Yên Bái. Tuy nhiên, trường hợp cụ thể đó là những ai thì không được Thanh tra chỉ rõ

Lúng túng xác định trách nhiệm người đứng đầu

Báo cáo do Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu ký ban hành cũng cho thấy, năm 2017, có 25 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật, trong đó nhiều nhất là tỉnh Kiên Giang với 9 người, An Giang 4 người, Hậu Giang 3 người, Bộ Tài chính 2 người…

Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng có tác dụng đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong PCTN. Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, trong quá trình triển khai vẫn còn lúng túng trong việc xác định mức độ trách nhiệm của người đứng đầu, hoặc trong trường hợp sai phạm liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều cơ quan, đơn vị, bộ phận.

Qua thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành thanh tra đã phát hiện 76 vụ, 141 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng.

Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2017 gây thiệt hại trên 1.351 tỷ đồng, đã thu hồi, kê biên 158,8 tỷ đồng, 314 nghìn USD, 4 căn nhà, 1 căn hộ chung cư. Tổng Cục thi hành án dân sự đã thụ lý mới 128 vụ việc thuộc nhóm tội tham nhũng, tương đương với số tiền hơn 5.110 tỷ đồng, đã giải quyết xong 86 vụ việc, tương đương với số tiền hơn 1 nghìn tỷ đồng.

Theo Thanh tra Chính phủ, kết quả PCTN thời gian qua đã có tác đụng răn đe nhất định và góp phần làm giảm tham nhũng. Tuy tạo được sự thay đổi tích cực, nhưng vẫn chưa thực sự mang tính đột phá.

“Tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi…”, nhận định này của Thanh tra Chính phủ cũng tương tự như các năm trước, ngoại trừ năm nay có thêm cụm từ “tinh vi”.

Thanh tra Chính phủ cũng nhìn nhận, tình hình tham nhũng năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục có dấu hiệu giảm. Sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong PCTN, nhất là việc kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng sẽ củng cố tốt hơn nữa niềm tin trong nhân dân, có tác dụng răn đe rõ rệt, vừa cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn tham nhũng vừa khích lệ các nhân tố tích cực tham gia phòng chống tham nhũng.