Cảnh giác trước nguy cơ “mất hết tài sản” do chập điện mùa nắng nóng

Admin
Vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của người dân tăng mạnh, nguy cơ xảy ra các vụ cháy, nổ do chập điện, gây thiệt hại lớn về người và tài sản là rất cao.

Giữa trưa tháng Năm, người dân tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn hốt hoảng phát hiện 1 căn nhà bị cháy với nhiều tiếng nổ. Tất cả mọi người trong gia đình này đều đi vắng.

 Căn nhà tại phường Hòa Hải bị "bà hỏa" thiêu rụi vì chập điện.

Ngay lập tức, người dân cắt cầu dao điện bên ngoài, phá cửa, dùng vòi nước tại chỗ dập lửa và gọi điện báo lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy. Trước khi đám cháy bị dập tắt, rất nhiều tài sản đã bị ngọn lửa làm hư hại.

Cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân vụ cháy do chập điện. Lửa xuất phát từ phòng ngủ và phòng để quần áo của gia đình, chứa nhiều đồ đạc dễ bắt lửa như vải, nệm mút, nhựa, gỗ nên ngọn lửa lan nhanh.

Trước đó, hiệu uốn tóc Trang, đường Lê Hữu Trác, quận Sơn Trà xảy ra hỏa hoạn. Mặc dù vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng toàn bộ tài sản đều bị thiêu rụi. Nguyên nhân được xác định là do chập điện từ chiếc máy giặt.

Tại Đà Nẵng, mùa nắng nóng đang đỉnh điểm, tình hình cháy, nổ, đặc biệt trong khu dân cư diễn ra ngày càng phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là những sự cố liên quan đến thiết bị điện.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Hòa, Phó Giám đốc Điện lực Đà Nẵng cho biết, qua phân tích các vụ cháy, nổ đa số nguyên nhân do kỹ năng sử dụng điện và thói quen sinh hoạt của người dân. Các hộ dân chưa thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng định kỳ hệ thống điện trong gia đình, nhà xưởng, kho tàng. Họ sử dụng các thiết bị bảo vệ chưa phù hợp như cầu chì, aptomat cho toàn nhà, từng tầng, khu vực, aptomat chống rò điện…

Hệ thống dây điện sau công tơ điện không đảm bảo an toàn như sử dụng dây trần, dây dẫn có nhiều mối nối, tiết diện dây dẫn chưa phù hợp với công suất định mức của thiết bị điện. Thiết bị điện sử dụng trong gia đình quá cũ, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Quá tải hệ thống dẫn điện do sử dụng thêm các thiết bị điện có công suất lớn như máy móc, động cơ, bếp điện, máy điều hòa nhiệt độ… mà không nâng tiết diện dây.

Theo ông Hòa, nhằm sử dụng điện an toàn, hiệu quả và hạn chế các nguy cơ gây ra cháy nổ, thời gian qua, điện lực Đà Nẵng đã tư vấn sử dụng điện an toàn phòng cháy chữa cháy trong nhân dân cho các hộ gia đình, nhà hàng, khách sạn, quán karaoke, chợ, khu chung cư… Việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới và từng bước cải tạo nâng cấp hệ thống lưới điện, trạm biến áp trong các hẻm kiệt của thành phố được chú trọng. Đơn vị này thường xuyên phối hợp Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy kiểm tra sử dụng điện an toàn tại chợ, trung tâm thương mại trước các ngày lễ, tết…

Vị Phó Giám đốc khuyến cáo, các hộ gia đình cần lắp đặt thiết bị bảo vệ như cầu chì, aptomat đúng công suất định mức cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh rẽ và trước các thiết bị có công suất lớn, ổ cắm điện. Nếu có điều kiện thì tốt nhất các hộ dân có thể nhờ đơn vị, người có chuyên môn điện giúp thiết kế.

Người dân cũng cần thường xuyên kiểm tra và vệ sinh bảo dưỡng định kỳ các thiết bị điện trong gia đình. Việc làm này sẽ giúp chúng ta loại bỏ nguy cơ gây mất an toàn, kéo dài tuổi thọ thiết bị cũng như sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm hơn.

 Người dân cần thường xuyên kiểm tra và vệ sinh, bảo dưỡng định kỳ các thiết bị điện trong gia đình để tránh điều xấu xảy ra.

“Trong sử dụng điện hàng ngày nên tắt các thiết bị không cần thiết, khi không sử dụng. Khi ra khỏi nhà, cần tắt ngay các thiết bị sinh nhiệt như bàn ủi, bếp điện khi không sử dụng, không có người trông coi hoặc bị mất điện trong lúc sử dụng.

Trong trường hợp xảy ra cháy, người dân phải nhanh chóng cắt cầu dao điện tổng, báo cho mọi người xung quanh biết. Đồng thời, ngay lúc ấy báo cho Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy theo số điện thoại 114 và dùng phương tiện chữa cháy tại chỗ dập lửa. Người dân cần lưu ý, không được dùng nước dập lửa khi chưa cắt điện”, ông Hòa nói.