Các chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của cơ thể và ảnh hưởng đến lớn đến tâm lý cũng như cảm xúc của con người. Tuy nhiên, nhiều người lại đang có một lối sống không lành mạnh gây ra sự thiếu hụt dinh dưỡng cho cơ thể.
Dưới đây là các dấu hiệu phổ biến cảnh báo cơ thể đang thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết mà bạn nên chú ý để kịp thời bổ sung, tránh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tổng thể.
Thiếu hụt chất dinh dưỡng được cơ thể cảnh báo qua nhiều dầu hiệu dễ thấy. Ảnh: Onlymyhealth
Thèm ăn mặn
Thèm ăn mặn có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang thiếu các chất điện giải như natri hoặc kali. Thiếu các chất này có thể dẫn đến mất cân bằng điện giải, khiến bạn cảm thấy buồn nôn, mệt mỏi, thay đổi tâm trạng và thậm chí là gây co giật.
Trong trường hợp cơ thể có thể đang thiếu hụt chất điện giải, bạn có thể bổ sung nhanh chóng bằng các loại thực phẩm khá dễ tìm như nước dừa, súp đậu lăng ăn kèm với một chút chanh hoặc các loại hạt rang.
Thèm nhai đá
Nếu bạn bỗng nhiên cảm thấy thèm nước đá hay muốn nhai đá, đây có thể là lời cảnh bảo rằng cơ thể đang thiếu sắt. Thiếu sắt sẽ làm cản trở quá trình tổng hợp hemoglobin (huyết sắc tố) – một loại protein có trong tế bào hồng cầu. Khi nồng độ hemoglobin trong máu giảm sẽ kéo theo việc máu mang oxy và các chất dinh dưỡng đến các cơ quan và mô trong cơ thể bị hạn chế.
Trong khi đó, nhai đá có thể giúp tăng lượng máu mang oxy lên não và khiến bạn cảm thấy tỉnh táo hơn. Bạn có thể bổ sung sắt cho cơ thể thông qua nhiều loại thực phẩm, đặc biệt là củ dền, hạt mè đen, rau chân vịt và lá chùm ngây.
Xuất hiện tóc bạc
Trong quá trình lão hóa tự nhiên, con người thường sẽ có tóc bạc trong độ tuổi từ 45 trở đi. Song, ngày này nhiều người chỉ mới ở độ tuổi 20 – 30 cũng đã có tóc bạc. Đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu hụt thiếu hụt đồng, folate hoặc vitamin B1.
Xuất hiện tóc bạc có thể do thiếu chất dinh dưỡng gây ra. Ảnh: Adobe Stock
Mùi hôi cơ thể
Cơ thể có mùi khó chịu là một trong các dấu hiệu của sự thiếu hụt crom hoặc kẽm. Bạn có thể bổ sung các chất này bằng thực phẩm chức năng dựa trên lời khuyên của bác sĩ cũng như thông qua việc thay đổi chế độ ăn hàng ngày.
Một số thực phẩm mà người thiếu crom và kẽm nên lưu ý bao gồm: các loại thịt, trứng và hải sản;các loại đậu như đậu xanh, đậu nành và ngô; các loại rau như rau chân vịt, bông cải xanh, tỏi, cà chua cũng như các loại trái cây như nho, táo, cam và dứa.
Môi nứt nẻ
Nếu nhận thấy môi nứt nẻ, điều này có thể đồng nghĩa với việc cơ thể bạn đang thiếu vitamin B2. Đây là chất dinh dưỡng rất cần thiết giúp cho tóc, móng tay, da và môi luôn duy trì khỏe mạnh. Bạn có thể bổ sung vitamin B2 thông qua các loại sữa, các sản phẩm làm sữa, trứng, các loại đậu, thịt, rau lá xanh và các loại hạt.
Ngứa tay chân
Trong trường hợp bạn cảm thấy ngứa tay chân mà không mắc bất kỳ bệnh lý về da nào, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo cho sự thiếu hụt vitamin B12. Hãy chú ý tăng hàm lượng vitamin B12 của bạn bằng các loại thịt, sản phẩm từ sữa, các loại cá, trứng, một số loại sữa đậu nành cũng như ngũ cốc ăn sáng.
Xuất hiện gàu trên da đầu
Chuyên gia dinh dưỡng cho biết gàu xuất hiện nhiều trên da đầu cho thấy cơ thể đang thiếu hụt vitamin B6, kẽm và axit béo. Bạn có thể làm dịu da đầu bằng các thực phẩm cực dễ tìm như chuối giàu vitamin B6, hạt bí ngô giàu kẽm hoặc sữa chua.