Cao su chết đứng trên đất rừng khộp

Lợi Trần
Cây cao su bỗng dưng chết hàng loạt, điệp khúc trồng - chặt tái diễn khiến người nông dân lao đao ở những vùng trồng cao su trên đất rừng khộp.

Từng hàng cây cao su chết khô trong vườn của ông Phan Văn Phú. Ảnh: Ngọc Quyền
 
“Đổ bát cơm bưng lên miệng”

Dẫn chúng tôi ra vườn cao su 5 ha đang kỳ khai thác, ông Phan Văn Phú (53 tuổi, ở thôn 1, xã Cư M’lan, H.Ea Súp, Đắk Lắk), cho biết ông trồng cao su từ năm 2008, năm ngoái (2015) mới cho thu mủ vụ đầu tiên nhưng giá mủ xuống thấp, tiền bán mủ chỉ được 80 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Phú chưa kịp hưởng niềm vui thì đã phải đau đầu trước hiện tượng 500 cây cao su khô úa dần rồi chết đứng giữa vườn khiến gia chủ không dám cạo mủ những cây khác.

Cách đó không xa, vườn cao su 5 ha của anh Nguyễn Quyết Thắng (42 tuổi, ở thôn 6, xã Cư M’lan) có tỷ lệ cây chết còn cao hơn, đến 3 ha. Anh Thắng cho biết mấy năm trước anh vay mượn bà con, bạn bè gần 400 triệu đồng để trồng, chăm sóc cao su, nhưng đến tuổi khai thác thì từng vạt cao su chết khô khiến cả nhà khốn đốn, không biết lấy gì trả nợ. “Cứ như bát cơm bưng lên miệng mà bị đổ!”, anh Thắng xót xa nói. Anh dự định phá bỏ vườn cao su để trồng cây khác, hoặc chăn nuôi bò nhưng lại bó tay vì vẫn đang ôm nợ.

Nhiều hộ ở xã Cư M’lan cũng điêu đứng bởi nạn cao su chết như hộ ông Năm Lanh ở thôn 6 trồng 10 ha thì chết gần 5 ha; hộ ông Dương Phúc ở thôn 5 bị chết 3 ha trong 6 ha... Không ít hộ phải phá bỏ vườn cao su chết để tính chuyện chuyển sang canh tác cây trồng khác.

Ông Phạm Văn Dân, Phó chủ tịch UBND xã Cư M’lan, cho biết cả xã có khoảng 300 hộ trồng cao su tiểu điền với diện tích gần 600 ha. “Từ trước đến nay chưa có quy hoạch nên xã không có chủ trương phát triển cây cao su. Tuy nhiên, khi một số doanh nghiệp được cấp phép triển khai dự án thí điểm cao su trên địa bàn thì người dân lại tự phát trồng theo ồ ạt, bất chấp khuyến cáo không nên trồng của chính quyền địa phương”, ông Dân phân trần.

Đã từng cảnh báo

Theo Phòng NN-PTNT H.Ea Súp, trên địa bàn huyện có gần 4.000 ha cao su, trong đó các doanh nghiệp trồng 1.600 ha, còn lại là cao su tiểu điền của người dân, phần lớn trồng trên đất rừng khộp chuyển đổi. Một cán bộ phòng này cho biết đã nhận được thông tin từ nhiều xã về cao su chết nhưng phòng chưa khảo sát, thống kê.

Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, cho rằng hiện tượng cao su chết hàng loạt trên đất nguyên là rừng khộp ở các huyện Ea Súp, Buôn Đôn… không gây ngạc nhiên. Theo ông Thích, trong nhiều hội nghị trước đây, ông và một số chuyên gia nông nghiệp đã bày tỏ nghi vấn về khả năng phát triển và hiệu quả đem lại của việc trồng cao su trên đất rừng khộp.

“Theo tôi, vùng rừng khộp về cơ bản không thích hợp trồng cao su, do đất xấu, chi phí cải tạo đất rất lớn, hơn nữa có tầng đất mặt mỏng, không đồng đều, bên dưới là tầng đá hoặc sét cứng khó thấm nước. Những vườn cao su bị chết hàng loạt có thể do trồng ở khu vực đất khá mỏng, khi cây còn nhỏ thì phát triển bình thường nhưng khi 5 - 7 tuổi trở đi, rễ cọc đâm xuống gặp đá nên dễ chết do thiếu nước vào mùa khô, còn mùa mưa thì úng nước”, ông Thích phân tích.

Ông Thích cho biết mới đây UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở NN-PTNT tiến hành đánh giá toàn bộ hiện trạng và hiệu quả việc trồng cao su trên đất rừng khộp để có nhận định đầy đủ về mặt kỹ thuật hiện tượng cao su chết.

Tác giả bài viết: Ngọc Quyền