Thông báo kết luận nêu rõ, đây là dự án quan trọng quốc gia, vì vậy cần thực hiện bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, trình Thủ tướng, Chính phủ để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Mục tiêu chính và yêu cầu đối với dự án là hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đáp ứng năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn, kết nối các trung tâm kinh tế, xã hội từ Hà Nội đến TP.HCM.
Tuyến đường này chạy qua 20 tỉnh, thành phố, kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, giảm áp lực và khai thác có hiệu quả hơn tuyến quốc lộ 1.
Về phương án đầu tư, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ GTVT chỉ đạo tư vấn hoàn thiện 2 phương án Nhà nước hỗ trợ 63.000 tỷ đồng và 70.000 tỷ đồng báo cáo Thủ tướng, Chính phủ quyết định trước khi trình Quốc hội.
Theo Phó thủ tướng, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước dành chủ yếu cho giải phóng mặt bằng và một phần cho đầu tư, phần còn lại (khoảng 70% tổng mức đầu tư) huy động từ nguồn xã hội hóa.
Để bảo đảm tiến độ triển khai dự án, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT khẩn trương trình Thủ tướng thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định dự án. Theo đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT làm Chủ tịch Hội đồng, các thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành theo quy định, mời thêm các chuyên gia có kinh nghiệm về kinh tế, kỹ thuật.
Cuối năm 2016, Bộ GTVT đã trình Chính phủ đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông dài 1.372 km với thiết kế tốc độ 100-120 km/h, tổng mức đầu tư 229.829 tỷ đồng.
Theo tờ trình của Bộ GTVT, ngành giao thông đang triển khai một số dự án cao tốc, dự kiến đến năm 2020 sẽ đưa vào khai thác 470 km. Do vậy, để thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam dài khoảng 1.800 km, sẽ phải đầu tư thêm 1.372 km từ nay đến 2020.
Với chiều dài 1.372km, đề án phân chia thành 20 dự án thành phần, mỗi dự án được khai thác độc lập, phù hợp với khả năng huy động theo hình thức PPP (hợp tác công tư) có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước, thời gian thu phí nhỏ hơn 25 năm.
Tác giả bài viết: Văn Chương
Nguồn tin: