Việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh (ĐKKD) còn chưa thực chất, một số nơi mang tính đối phó, nửa vời, thậm chí là cài cắm thêm các điều kiện mới. Đó là đánh giá của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), tại hội thảo "Đánh giá chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh: Kết quả, vấn đề và kiến nghị" do viện này tổ chức ngày 14-11.
Càng cắt... càng gây khó
Báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng cho thấy đến tháng 10-2018, các bộ đã cắt giảm, đơn giản được 3.004/6.191 điều kiện (đạt 97% so với chỉ tiêu giao). Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, cùng cộng sự đã phân tích các con số nêu trên và cho biết thực tế chỉ có 771 ĐKKD được bãi bỏ, còn lại là sửa đổi, bổ sung, thay thế, thậm chí là thêm mới các điều kiện khác. "Nếu tính tổng số ĐKKD hiện hành thì việc cắt giảm không đạt 50% như yêu cầu của Chính phủ" - ông Hiếu nhấn mạnh.
Phó Viện trưởng CIEM cũng nhìn nhận thực tế chỉ một số ĐKKD sau khi cắt giảm, sửa đổi tác động tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp (DN) như Nghị định 87/2018 về kinh doanh gas hay một số điều kiện về kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu. Còn lại đa phần các ĐKKD được cắt giảm không có hoặc tác động rất ít đến DN. Ông Hiếu dẫn chứng quy định "có năng lực hành vi dân sự đầy đủ", hay việc sửa đổi các quy định yêu cầu nhân sự có kinh nghiệm 36 tháng thì được giảm xuống còn 30 tháng hầu như không có ý nghĩa gì. Hay một số quy định trong Nghị định 49 về yêu cầu kiểm định chất lượng giáo dục yêu cầu cơ sở kiểm định chất lượng giáo dục phải có ít nhất 10 kiểm định viên, có trụ sở ổn định 2 năm, có phòng làm việc cho mỗi kiểm định viên tối thiểu 8 m2... các bộ khác đã bỏ nhưng bây giờ lại được quy định trong lĩnh vực giáo dục.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM, đánh giá rào cản về ĐKKD vẫn còn khá phổ biến. Bà Thảo chỉ ra rằng các bộ ngành đưa ra con số cắt giảm ĐKKD nhưng thực chất lại lồng ghép dưới hình thức tuân thủ các Quy chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn Việt Nam. Bà Thảo cho biết hiện có khoảng 40 văn bản lồng ghép dưới hình thức này.
Bên cạnh đó, nhiều ĐKKD sửa đổi theo hướng khó hơn, hồ sơ nhiều hơn, đơn cử như chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng được quy định tại Nghị định 100 sửa đổi, bãi bỏ, bổ sung một số quy định về đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng. "Nhiều quy định không rõ ràng, tiềm ẩn rủi ro cho DN. Một số ĐKKD sửa đổi dưới hình thức diễn đạt chứ không phải giảm hoặc gộp nhiều điều kiện thành một" - bà Thảo cho hay.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, nhiều sở công thương tỉnh, thành tỏ ra khó chịu vì bị mất quyền khi nghị định mới bỏ quy hoạch xăng dầu trong hoạt động đầu tư kinh doanh xăng dầu. Ảnh: TẤN THẠNH |
Bỏ một từ cũng tính là cắt giảm
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nhận định cộng đồng DN đánh giá việc làm thủ tục, hồ sơ qua mạng đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian, thuận tiện hơn nhưng đến khâu cuối cùng vẫn phải gặp cán bộ nhà nước mới xong được. "Nếu phong bì nhẹ thì 3 tháng, nặng thì chiều đến lấy. Các DN nói chi phí không thực tế có thể tăng lên tới 500%" - ông Doanh nói và bày tỏ lo ngại với chi phí cao như vậy DN Việt khó có khả năng cạnh tranh khi hội nhập.
Đồng tình với những phản ánh của TS Lê Đăng Doanh, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dẫn chứng về một tổ chức yoga nổi tiếng trên thế giới đã đạt các quy chuẩn của quốc tế về thời gian giảng dạy nhưng khi đến Việt Nam hoạt động vẫn phải đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ. Họ phải đi học đối phó để đủ điều kiện.
Theo ông Tuấn, các bộ ngành chưa quyết liệt trong cắt giảm mà chỉ tập trung vào đơn giản hóa, như thay đổi cách diễn đạt hay bỏ 1 từ không có ý nghĩa cũng được tính là 1 chỉ tiêu đơn giản hóa ĐKKD. Thậm chí, nhiều sở công thương đã phàn nàn về việc bãi bỏ quy hoạch xăng dầu trong hoạt động đầu tư kinh doanh xăng dầu khiến quyền của họ bị mất đi.
Trước quy định về số mét vuông diện tích/người trong một số ngành nghề kinh doanh, TS Lê Đăng Doanh quan ngại khi ĐKKD của chúng ta đang lạc hậu so với diễn biến của thế giới. Bởi, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nền kinh tế tự do đang phát triển mạnh, người lao động có thể làm việc ở bất cứ đâu, cung cấp đầy đủ các loại hình dịch vụ, không nhất thiết phải quy định "chỗ ngồi" như ở Việt Nam. Ông Doanh kiến nghị cần cải thiện môi trường kinh doanh thực chất hơn, con số DN vừa khởi nghiệp đã phải đóng cửa càng thôi thúc việc này.
Đưa thầy đi nhậu rồi nhận chứng chỉ Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng những quy định chứng chỉ nghề nghiệp, chứng nhận ở rất nhiều lĩnh vực kinh doanh khiến DN phải đáp ứng bằng cách đi học đối phó. Theo đó, chỉ cần đến lớp đọc văn bản, nộp tiền, đưa thầy đi nhậu rồi nhận chứng chỉ, không hề có ý nghĩa về chuyên môn. |