Nỗi lo về điểm đen tai nạn giao thông
Ngày 20/6/2018, hình ảnh cây cầu vượt đi bộ bắc qua đường sắt ở xã Quang Trung, Thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa đã khiến dư luận quan tâm vì cho rằng tốn kém mà lại không giải quyết được vấn đề an toàn giao thông cho người dân.
Chia sẻ với Đất Việt về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hán - Chủ tịch UBND xã Quang Trung cho biết, đây là dự án của Sở Xây dựng Thanh Hóa.
"Ban đầu, vị trí cây cầu vượt được xác định cách vị trí hiện tại khoảng 500m, nơi có trạm gác đường sắt, có nhiều dân sinh đi qua nhưng khi tính toán chi phí giải phóng mặt bằng ở vị trí cũ có thể lên tới 150 tỷ đồng, đây là số điền quá lớn nên chuyển vị trí xây dựng cầu vượt đến một nơi khác" - ông Hán cho biết.
Cây cầu vượt qua đường sắt ở xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa đang khiến dư luận quan tâm. |
Ông Hán không biết chính xác kinh phí để xây dựng một chiếc cầu vượt đi bộ qua đường sắt là bao nhiêu nhưng theo tính toán ban đầu giữa ông Hán và lãnh đạo UBND Thị xã Bỉm Sơn thì mỗi cây cầu khi hoàn thành phải mất khoảng gần 10 tỷ đồng.
Theo ông Hán, cây cầu vượt ở vị trí mới đã hoàn thành và đi vào sử dụng được vài tháng nay. Dưới chân cầu vượt có một con đường qua đường sắt dẫn vào khu công nghiệp, đến giờ tan tầm thường có rất nhiều công nhân qua lại ở khu đường này nên nhu cầu đi lại rất cao. Hơn nữa, trong thời gian tới, tỉnh có chủ trương đóng trạm gác cũ nên sẽ có nhiều phương tiện giao thông đi qua khu vực đặt cầu mới.
Ông Hán chia sẻ: "Chính quyền xã và người dân đều rất lo lắng về tình hình an toàn giao thông khi trạm gác đường sắt bị đóng lại, khi đó các em học sinh đi học phải đi thêm quãng đường xa gần 2km nữa mới tới điểm sang đường, cây cầu mới xây dựng đã giải quyết được vấn đề này".
Tuy nhiên, ông Hán cho biết, dù cây cầu vượt được xây ở vị trí mới nhưng người tham gia giao thông muốn đi sang cây cầu này đều phải sang đường QL1 từ cả hai phía nên tình trạng mất an toàn giao thông vẫn có thể xảy ra.
"Chiếc cầu chỉ phục vụ được cho người đi bộ, còn người điều khiển xe cơ giới vẫn phải sang đường qua đường sắt, mà ở vị trí mới này đoạn sang đường lại không có rào chắn khi tàu đi qua. Hơn nữa dù là người đi bộ hay người điều khiển xe cơ giới muốn đi đến vị trí qua cầu thì đều phải sang đường QL1, điều này cũng rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông" - ông Hán nói.
Chính vì thế, ông Hán cho rằng, việc làm cầu vượt đi bộ mới trên địa bàn là điều đáng mừng nhưng bên cạnh đó vẫn chưa thể giải quyết được triệt để nỗi lo lắng của người tham gia giao thông.
Dù làm xong cầu nhưng muốn sử dụng được, người đi bộ vẫn phải đánh cược tính mạng khi băng qua đường QL1. |
Nhiều người dân ở xã Quang Trung cũng bày tỏ sự lo lắng, sau khi đoạn qua đường sắt ở phía trên bị đóng lại thì người tham gia giao thông sẽ tập trung tại khu vực có cây cầu vượt này để sang đường, rất có thể sẽ khiến cho đoạn đường bị chặn lại.
Hơn nữa cây cầu vượt nằm ở vị trí giữa đường sẽ khiến cho tầm nhìn của lái xe bị che khuất, rất có thể sẽ không giải quyết được tình trạng mất an toàn giao thông mà còn trở thành điểm đen tai nạn.
Sẽ tiếp tục làm thêm nhiều cầu vượt khác
Trong khi đó, trao đổi Đất Việt, ông Bùi Huy Hùng - Chủ tịch UBND Thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa lại cho rằng, xét một cách tổng thể hạ tầng giao thông ở khu vực nơi đặt cây cầu vượt đi bộ qua đường sắt ở xã Quang Trung, đó lại là điều bình thường.
Theo kế hoạch của tỉnh Thanh Hóa, sau khi xây xong các hạng mục công trình dành cho xe cơ giới thì cơ quan chức năng sẽ đóng lại đường nhánh 217B (nơi có trạm gác tàu) ở xã Quang Trung.
"Hiện tại đường 217B đang xảy ra bất cập là người sang đường không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông và điều hành của người gác tàu, thường xuyên vượt rào chắn khi có tàu chạy qua nên mới tiền hành làm cầu vượt cho người đi bộ để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra" - ông Hùng cho biết.
Cũng theo vị Chủ tịch UBND Thị xã Bỉm Sơn, việc làm cầu vượt đi bộ qua đường sắt là dự án của tỉnh Thanh Hóa để giải quyết tình trạng mất an toàn giao thông trên địa bàn nên trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều cây cầu tương tự được xây dựng để phục vụ người dân.