Về thăm chùa Pôthi Thlâng (tên gọi khác là chùa Tập Rèn), toạ lạc tại ấp An Nhơn, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, Sóc Trăng vào tháng 3 du khách không khỏi ngẩn ngơ trước những cây kèn hồng đang trổ hoa tuyệt đẹp, tạo khung cảnh yên ả, thanh bình.
Ông Kim Cho - một người có uy tín trong cộng đồng Khmer ở Tập Rèn cho biết, trước năm 1975 gốc kèn hồng đầu tiên này được trồng tại cổng chùa do một phật tử mang về từ Campuchia.
Gốc kèn hồng trồng đầu tiên này cao hơn cổng cũ của chùa và nóc chánh điện (nhìn thẳng vào phía trong). Sau khi trồng vài năm, kèn hồng ra hoa, kết trái rồi rụng xuống đất quanh cổng chùa. Sau mùa mưa hàng năm, rất nhiều cây kèn hồng con mọc lên, được các nhà sư bứng ra trồng trong khuôn viên và các lối đi quanh chùa. Tại cổng chính hiện nay, hướng về đường Nam Sông Hậu có 2 cây kèn hồng trên 50 năm tuổi, thuộc thế hệ sau của gốc kèn hồng "mẹ".
Ngoài 4 gốc kèn hồng trên 50 năm tuổi, trong khuôn viên và xung quanh chùa Pôthi Thlâng còn có hàng chục gốc kèn hồng 30 năm tuổi.
Sư Huỳnh Nê - chùa Pôthi Thlâng cho biết: "Chùa có rất nhiều cây kèn hồng được trồng dọc bờ kênh trước cổng chùa cũ nhưng bị đốn bỏ. Những cây này có tuổi đời từ vài ba chục năm. Hiện còn 4 cây có tuổi cả nửa thế kỷ và mấy chục cây cũng vài ba chục năm. Thời điểm này mấy chục cáy kèn hồng ở chùa đang cho hoa.
Điều đặc biệt, khi dạo trên con đường nhỏ cặp bờ kênh gần khuôn viên chùa, mọi người sẽ thấy có một cây kèn hồng không lớn lắm đang cho hoa nhưng lại là hoa màu trắng, ở giữa có nhụy màu vàng rất đẹp".
Anh Nguyễn Hoàng Minh (48 tuổi), ấp An Nhơn, xã Thới An Hội cho biết: Anh vốn thích trồng cây cảnh, trong đó có kèn hồng. Hiện trong vườn nhà anh có vườn ươm mấy trăm cáy kèn hồng cung cấp cho khách hàng có nhu cầu.
Nói về cây kèn hồng cho hoa màu trắng, anh Minh giới thiệu: "Cây kèn hồng này được trồng cách đây khoảng 4 năm và cho hoa mùa này là mùa thứ 3. Khi cây ra hoa màu trắng, nhiều người rất ngạc nhiên vì chỉ thầy kèn hồng cho hoa màu hồng chứ chưa bao giờ thấy hoa kèn hồng màu trắng, nhụy hoa màu vàng, có mùi thơm dễ chịu".
Anh Minh còn cho hay, khi biết anh có cây kèn hồng độc đã có người hỏi mua nhưng anh không bán mà để làm kỷ niệm và để cho người dân chiêm ngưỡng.