Nhớ lại thời khắc thiêng liêng đêm giao thừa, lẽ ra chị được ở nhà ôm đứa con gái bé bỏng trong lòng. Mọi người ai cũng háo hức đón Tết, riêng năm nay, vợ chồng chị lại mong Tết trôi đi thật nhanh. Chỉ vì quá nghèo, bệnh tật triền miên mà chị không đủ tiền về quê với con. Hai con người, hai số phận co ro trong bệnh viện. Người mẹ trẻ phải tắt điện thoại vì không dám nghe những cuộc điện thoại của cô con gái 6 tuổi. Chị không thể trả lời được những câu hỏi ngây thơ của con.
Cha bệnh nặng, con thơ ngóng đợi
“Mẹ ơi sao ba mẹ đi lâu vậy. Bao giờ ba mẹ mới về, hôm nay Tết rồi mà... Mẹ ơi mọi người đi xa đã về hết. Các bạn được ba mẹ chở đi chợ Tết. Ai cũng được mua sắm quần áo mới. Con buồn lắm, cha mẹ về đi con không cần mua gì đâu...”, chị không thể cầm được nước mắt khi nhắc lại lời cô con gái nói trong chiều 30 Tết.
Chị Nhi đã khóc rất nhiều khi nhắc đến con |
Hoàn cảnh gia đình anh Võ Minh Khai và chị Trần Ngọc Nhi ở ấp Tapasa II, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau hết sức éo le. Anh Khai mắc bệnh hiểm nghèo, cả nhà rơi vào bi đát cùng cực.
Đầu năm 2016, đêm nào cũng như đêm nào, từ nửa đêm về sáng, chân trái của anh đau buốt như có người đang đục trong xương của mình. Mặt mũi anh tái xanh tái xám, mồ hôi túa ra như tắm... Anh Khai tìm đến bệnh viện vì không thể chịu đựng nổi.
Khối u xương chày trái khiến anh Khai đi lại rất khó khăn. |
Nghe bác sĩ thông báo anh đã mắc phải căn bệnh ung thư xương quái ác, cả nhà bàng hoàng. Một phác đồ điều trị được bác sĩ đưa ra, theo đó anh sẽ điều trị hóa chất trong vòng 1 năm.
Tiền bạc có bao nhiêu đều tập trung lại dành lo chữa bệnh mà vẫn không đủ. Hai vợ chồng phải vay mượn khắp nơi, lâm cảnh nợ nần, nuôi hy vọng cứu vớt được sự sống cho anh. Sau 1 năm điều trị, sức khỏe tạm ổn, anh Khai được chuyển qua điều trị duy trì. Trớ trêu thay, nợ cũ trả chưa xong thì mới đây, bệnh anh tiếp tục tái phát. Chị Nhi vay được 15 triệu đồng từ Hội Phụ nữ để mua thuốc cho chồng, đến giờ đã hết. Sắp tới, chị chưa biết tính sao.
Con gái đến tuổi chưa được đi học
Chị Trần Ngọc Nhi cần mẫn nắn bóp chân cho chồng, khuôn mặt anh hết nhăn nhó lại giãn ra, rồi lại nhăn nhó. Mặc dù đã dùng thuốc giảm đau nhưng chúng không thể khống chế những cơn đau tê tái từ trong xương.
Nợ nần chồng chất, chị Nhi đang rất bế tắc. |
Mắc bệnh xương, anh Khai gặp khó khăn về vận động, từ việc xin cơm, mua thuốc hay những việc lặt vặt khác đều phải do chị Nhi đảm nhiệm. Thế nên thấy chồng tỉnh táo, chị Nhi cũng không nỡ để chồng một mình để về với con.
Nguồn lương thực nuôi sống hai vợ chồng là những bữa cơm từ thiện. Có hôm anh thèm ăn chiếc bánh mì, chị lại ra cổng đợi hy vọng có nhà hảo tâm đến phát. Mọi chi phí hai vợ chồng tiết kiệm hết mức, có đồng nào đều dành cho mua thuốc.
Cuộc sống quá bi đát, đứa con gái của anh chị đến tuổi đi học nhưng vẫn phải ở nhà. |
Tuy nhiên, lâu nay không thể đi làm kiếm tiền, số tiền anh chị dằn túi chẳng được bao nhiêu, tiết kiệm thế nào cũng không đủ. Vay mượn hết người này đến người khác rồi cuối cùng không còn ai cho vay được nữa.
“Nói về gia cảnh thì buồn lắm. Mấy năm nay anh bị bệnh chẳng làm được gì. Sau chữa bệnh lần 1 về nhà được 2 năm tôi làm trả nợ lần lần, thấy nợ giảm dần cũng mừng. Hai vợ chồng và con ăn rau mắm qua ngày. Tiết kiệm mãi mới mua được 3 chục con vịt về nuôi cải thiện, chăm mãi đến lúc gần được một ký/con thì dịch chết hết trơn. Chồng bị tái phát bệnh, tiền bạc vay lung tung, con đến tuổi đi học cũng không dám cho đến trường. Biết như vậy là tội cháu nhưng giờ chúng tôi biết phải làm sao? ”, chị Nhi nghẹn ngào nói.
Mọi đóng góp có thể gửi về: Gửi trực tiếp: chị Trần Ngọc Nhi, ấp Tapasa II, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. SĐT: 035 3044 430 |