Xạ thủ Kuwait, Abudullah Al-Rashidi. Ảnh: GETTY IMAGES |
Rashidi đoạt HCĐ môn bắn súng nội dung đĩa bay skeet khi đã 58 tuổi. VĐV Kuwait từng tham dự 7 kỳ Olympic, trong đó có 5 lần trắng tay. Thú vị hơn, tại Olympic Tokyo 2020, con trai của Al-Rashidi, Talal Al-Rashidi cũng là một xạ thủ ở nội dung bắn đĩa Trap. Khi Rashidi lên bục nhận huy chương, con trai ông đã đứng dưới chúc mừng.
Al-Rashidi chưa phải VĐV lớn tuổi nhất giành huy chương Thế vận hội. Kỷ lục thuộc về VĐV Thuỵ Điển, Oscar Swahn tại Olympic Antwerp năm 1972. Oscar khi đó giành HCB môn bắn súng lúc đã 72 tuổi.
Thế vận hội được cho là khởi phát từ năm 776 trước Công nguyên, với môn Marathon gắn liền với một chiến thắng của người Hy Lạp, nhưng đồng thời cũng cho thấy ý chí mạnh mẽ của con người. Về sau, Olympic không chỉ là sự kiện thể thao mà còn mang ý nghĩa tạo nên tình đoàn kết, hoà bình thế giới. Những trường hợp như của Rashidi hay Oscar Swahn luôn tạo nên nguồn cảm hứng lớn với cộng đồng. Nó thúc đẩy tinh thần rèn luyện, ý chí vượt khó, hướng tới những giá trị cao đẹp của con người.
Khẩu hiệu Olympic là “nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn”. Thực tế cả 3 yếu tố “nhanh, cao, mạnh” đều không phải lợi thế với các VĐV Việt Nam. Thành tích tại các kỳ Olympic của Việt Nam còn rất khiêm tốn. Chúng ta mới chỉ đoạt huy chương ở các môn Taekwondo, Cử tạ (hạng cân thấp) và bắn súng.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có những trường hợp như Thuỳ Linh, Tiến Minh (Cầu lông) hay Nguyễn Văn Đương (boxing) tại Olympic Tokyo 2020, Lê Thanh Tùng hay Đinh Phương Thành (TDDC)…rất đáng ngưỡng mộ. Thuỳ Linh chỉ chịu thua tay vợt số một thế giới, trong khi Lê Thanh Tùng và Đinh Phương Thành phải uống thuốc giảm đau để tranh tài.
Nỗ lực của các VĐV chứ không phải thành tích mới là nguồn cảm hứng lớn nhất. Điều quan trọng là ngành thể thao có làm tốt vai trò của mình để tạo thêm nhiều những tấm gương như vậy hay không.
Tác giả: Nguyên Phong
Nguồn tin: Báo Tiền phong