Giáo dục

Chấm dứt dạy thêm - học thêm: Làm sao được cả đôi đường?

Theo chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM, kể từ năm học 2016 - 2017 sẽ chấm dứt việc tổ chức học thêm, dạy thêm tại các trường, chỉ cho phép tổ chức dạy thêm, học thêm tại các trung tâm ngoại ngữ, bồi dưỡng văn hóa ngoài nhà trường.

Học sinh chờ phụ huynh đón sau buổi học thêm ban đêm ở Q.5 (TP.HCM) - Ảnh: Như Hùng


Nhưng việc dạy thêm - học thêm có là nhu cầu của phụ huynh, học sinh hay không? Làm sao để việc dạy thêm - học thêm đạt hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của học sinh, phụ huynh lại thúc đẩy được đời sống giáo viên? Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các chuyên gia giáo dục, nhà quản lý, phụ huynh, học sinh... và mong nhận thêm bàn luận của bạn đọc.

* Chị Nguyễn Ngọc Hà (phụ huynh học sinh một trường tiểu học tại Q.Tân Bình, TP.HCM):

Học thêm ở trường giúp phụ huynh yên tâm hơn

Con tôi năm nay vào lớp 3, lứa tuổi mà nhiều nhà chuyên môn vẫn luôn nói rằng “không cần phải cho học thêm làm gì”. Nhưng thực tế tôi vẫn muốn cho con mình đi học thêm vì hai lý do: thứ nhất là vợ chồng tôi đều đi làm, buổi chiều và cận tối không biết gửi con cho ai; thứ hai nếu không có người kèm cặp, để ý, con tôi chắc chắn sẽ ngồi xem tivi, chơi game...

Do trường không tổ chức dạy thêm trong trường nên tôi và nhiều phụ huynh khác đành chọn hướng cho con ra ngoài học thêm. Đây chỉ là “biện pháp tình thế”, chứ phụ huynh có con học tiểu học nào cũng yên tâm khi để con ở trường hơn là ra ngoài.

Hơn nữa, lương giáo viên thấp mà không cho họ dạy thêm, họ sống bằng gì ở thành phố? Phải giúp giáo viên sống được với nghề thì họ mới dạy học sinh tốt được. Nếu mình cấm dạy thêm ở trường thì giáo viên ra ngoài dạy “chui”. Lúc này vừa cực cho học sinh cũng cực cho giáo viên, nhà trường thì không quản lý nổi...

Tôi đã thấy có hiện tượng này rồi. Do vậy tôi không đồng tình với việc cấm dạy thêm ở trường, mà nên tìm cách hợp lý hơn. Theo tôi, trường có thể mở dạy thêm nhưng cứ để phụ huynh học sinh đăng ký là ổn nhất.

* Phó hiệu trưởng một trường THCS tại TP.HCM:

Cần đẩy mạnh chất lượng các buổi chính khóa

Trường tôi đang thực hiện việc dạy thêm - học thêm đúng như yêu cầu của Sở GD-ĐT TP.HCM. Nhưng việc tổ chức dạy thêm - học thêm trong nhà trường cũng có những áp lực nhất định, nhất là khi dư luận phần lớn chỉ trích việc dạy thêm - học thêm trong nhà trường.

Một số phụ huynh thì cho rằng “phần lớn việc dạy thêm, học thêm ở trên trường là để... thực hiện nghĩa vụ cho nhà trường, để không bị... cô giáo ghét con mình”, nên tâm lý nhà trường và giáo viên cũng không thoải mái trong vấn đề tổ chức dạy thêm trong nhà trường.

Để giải quyết được tâm lý đó cũng rất khó khăn. Theo tôi, nếu trường học không được tổ chức dạy thêm - học thêm thì những nơi khác cũng không nên có chức năng dạy thêm - học thêm. Chúng ta nên coi trọng đẩy mạnh hiệu quả của các buổi học chính khóa, giảm tải chương trình để việc học không quá tải, không dẫn đến việc học sinh phải đi học thêm.

* Một giáo viên THPT tại TP.HCM:

Có thể dạy buổi hai cho cả học sinh THPT

Năm học vừa qua, trường tôi có tổ chức dạy thêm cho học sinh trong trường nhưng chất lượng học tập của học sinh vẫn không đồng đều. Nguyên nhân đến từ cả phía học sinh, nhà trường và giáo viên. Một số học sinh chỉ “đăng ký” theo yêu cầu của phụ huynh, chứ thực tế là không đến lớp...

Do tinh thần tự nguyện từ học sinh nên giáo viên không quản lý, không bắt ép hay có hình thức kỷ luật nào với những học sinh “thích thì đi học, không thích thì nghỉ” như thế được. Mặt khác, nói là học sinh được đăng ký giáo viên nhưng trường vẫn cứ khuyến khích “đã học với thầy cô nào ở buổi chính khóa thì nên học cô thầy đó ở buổi học thêm”, nên hiệu quả không cao.

Chưa kể đến việc “chia” thu nhập từ dạy thêm không hợp lý dẫn đến việc giáo viên dạy thêm thấy không thiết tha với việc dạy thêm ở trường. Tuy vậy, tôi vẫn cho rằng nếu dạy thêm - học thêm ở trường được tổ chức “chuẩn” thì sẽ tốt cho học sinh và phần lớn giáo viên, đồng thời không gây ra các tiêu cực khác.

Cụ thể, nếu cấm dạy thêm trong nhà trường thì các giáo viên sẽ có cơ hội bắt ép học sinh đi học ở nhà, chểnh mảng dạy trong các tiết dạy chính khóa. Ở trường tôi, dù đã có dạy thêm tại trường nhưng vẫn có hiện tượng như thế.

Nguyên nhân vì dạy thêm ở nhà có thu nhập quá “khủng”, nhiều thầy cô giáo chỉ dạy mỗi tuần ba buổi ở nhà thôi đã kiếm cả trăm triệu đồng/tháng, trong khi dạy thêm ở trường chỉ kiếm được 1/10 hoặc 2/10 khoản đó.

Có một số giáo viên dạy ở trường thì “trời ơi đất hỡi” nhưng khi dạy ở nhà thì rất chăm chút. Cấm dạy thêm ở trường thì thu nhập phần lớn giáo viên lại giảm, nghề giáo chắc chắn còn đi xuống nữa. Vì nhu cầu học tập của học sinh là có thật.

Theo tôi, không nên cấm dạy thêm - học thêm trong trường mà nên cấm dạy thêm tại nhà và tổ chức dạy hai buổi ở trên trường (cả bậc THPT) cho học sinh. Buổi hai như là buổi dạy thêm nhưng cần tổ chức đồng đều tại các trường, tổ chức thật tốt, có cả khen thưởng, động viên và có thể có mức lương hợp lý cho những giáo viên giỏi, uy tín...

* Thạc sĩ - nghiên cứu sinh Lê Hoàng Giang (Viện Nghiên cứu giáo dục TP.HCM):

Học sinh có quyền lựa chọn nơi học thêm

Dư luận lâu nay vẫn có cái nhìn chưa tốt về việc các trường phổ thông công lập tổ chức dạy thêm - học thêm trong nhà trường. Khách quan mà nói, có trường hợp dạy thêm - học thêm ở trong nhà trường chỉ nhằm mục đích kinh tế của trường nên cả học sinh và giáo viên đều thấy chán nản.

Học sinh đi học thêm không theo nhu cầu mà giáo viên dạy cũng như “khoán” cho xong việc, dạy thiếu cảm xúc, không hiệu quả. Không thể duy trì dạy thêm - học thêm theo hình thức này.

Tuy nhiên, các trường hợp như thế không phải là số đông trong việc tổ chức dạy thêm - học thêm ở nhà trường. Và rõ ràng, nếu nhìn đầy đủ hơn, ta vẫn thấy dạy thêm - học thêm ở trường cũng là nhu cầu có thật của học sinh, phụ huynh và cũng có cái lợi cho giáo viên, cho nhà trường và cả học sinh.

Vì thế, theo tôi, không nên cấm dạy thêm - học thêm trong nhà trường mà phải tìm ra cách tổ chức dạy thêm - học thêm trong nhà trường sao cho hài hòa được lợi ích của học sinh, phụ huynh, giáo viên và nhà trường mà không gây ra những dư luận xấu trong xã hội.

Muốn vậy, theo tôi, cần phải cho phép nhiều nơi tổ chức dạy thêm - học thêm để có sự cạnh tranh giữa những nơi này với nhau.

Đó là song song với việc cho phép các trường tổ chức dạy thêm - học thêm thì cũng phải siết cả chất lượng dạy chính khóa ở trường công và cho phép có sự cạnh tranh học sinh học thêm giữa cơ sở bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ và các trường công lập có dạy thêm.

Khi tổ chức dạy thêm - học thêm, trường công được phép tuyển giáo viên ở ngoài (dạy buổi không chính khóa), niêm yết công khai danh sách giáo viên, môn giảng dạy, thành tích (nếu có)... để phụ huynh, học sinh đăng ký.

Về phía học sinh, các em có quyền đăng ký giáo viên nhưng cũng có quyền từ chối giáo viên, có quyền học thêm ở trong hoặc ngoài nhà trường hoặc không học. Nhà trường cần tổ chức nghiêm túc, bài bản và quyết liệt trong việc bảo vệ quyền tự nguyện học thêm của học sinh, phụ huynh, không để xảy ra cái kiểu nói thì tự nguyện nhưng thực chất là bắt buộc.

Lúc đó, học sinh sẽ tự tìm đến môn mình muốn học, giáo viên và nơi mình muốn học. Nhà trường và các trung tâm bồi dưỡng đều có chức năng dạy thêm, còn học sinh có quyền chọn lựa nơi học thêm của mình.

Tác giả bài viết: Mỹ Dung

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP