Ngày 22/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định, Lệnh khởi vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” theo quy định tại khoản 4, Điều 358 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Việc bắt ông Phạm Thái Hà, theo trung tướng Tô Ân Xô - Người phát ngôn Bộ Công an cho biết nằm trong diễn biến mở rộng điều tra vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan.
Ông Phạm Thái Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bị khởi tố do liên quan đến vụ án Tập đoàn Thuận An - Ảnh: Bộ Công an
Ông Phạm Thái Hà (quê ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) có học vị tiến sĩ kinh tế. Ông Hà là kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (CPA) chuyên về lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Trước khi được bổ nhiệm làm trợ lý Chủ tịch Quốc hội, ông Hà từng trải qua nhiều vị trí thư ký, trợ lý lãnh đạo cấp cao và mang hàm vụ trưởng.
Tháng 5/2022 ông Phạm Thái Hà bổ nhiệm làm phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội. Thời hạn bổ nhiệm là 5 năm.
Đến cuối tháng 8/2023, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức hội nghị lấy phiếu tín nhiệm đối với ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Trợ lý Chủ tịch Quốc hội. Theo kết quả kiểm phiếu được công bố tại hội nghị, ông Phạm Thái Hà đạt tín nhiệm rất cao.
Ông Phạm Thái Hà - Ảnh: Quochoi.vn
Vụ án ông Phạm Thái Hà liên quan đã có bao nhiêu người bị bắt?
Vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ" xảy ra tại Công ty Thuận An đến nay, ngoài ông Phạm Thái Hà, cơ quan chức năng đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với 6 bị can gồm:
Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ", quy định tại khoản 3 Điều 222 và khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự.
Trần Anh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An về tội "Đưa hối lộ", quy định tại khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự.
Nguyễn Khắc Mẫn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ", quy định tại khoản 3 Điều 222 và khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự.
6 bị can trong vụ án Tập đoàn Thuận An
Bị can Nguyễn Văn Thạo, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang; Đàm Văn Cường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang. Ông Thạo và ông Cường bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Nhận hối lộ", quy định tại khoản 3 Điều 222 và khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Ông Hoàng Thế Du, Trưởng phòng Ban Quản lý dự án tỉnh Bắc Giang về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự.