Giáo dục

“Chạy” cho con vào trường... bình thường?!

Nhìn cảnh phụ huynh "vật vã" xí chỗ từ ban đêm, trước giờ tuyển sinh hàng chục tiếng đồng hồ, nhiều người tưởng họ đang chen chân tìm một suất học cho con vào một ngôi trường điểm, trường top. Tuy nhiên, đây chỉ là một ngôi trường mầm non công lập bình thường đóng ở địa bàn phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức, TPHCM). Vì đâu lại có cơ sự này?

Từ đêm 10/7, nhiều phụ huynh ở Thủ Đức, TPHCM đứng chờ từ ban đêm để hy vọng nộp được hồ sơ kiếm cho con một suất học ở trường mầm non Sơn Ca cho dù đến chiều 11/7 trường mới nhận hồ sơ.

Trường mầm non Sơn Ca chỉ tuyển sinh chưa đến 100 trẻ (trong đó 55 trẻ ở độ tuổi nhà trẻ và 40 trẻ ở độ tuổi lớp Mầm) đối với trẻ thường trú hoặc tạm trú theo hộ gia đình trên địa bàn khu phố 6, 7, 8 của phường Hiệp Bình Chánh. Một số lượng quá ít ỏi so với nhu cầu của người dân gửi con đến trường của địa bàn đông dân, đặc biệt là dân nhập cư từ nhiều nơi về làm công nhân.

chaychoconvaotruongbinhthuong
Phụ huynh "xí chỗ" trước hàng chục tiếng đồng hồ để hy vọng tìm được một suất cho con ở trường mầm non Sơn Ca, Thủ Đức, TPHCM (Ảnh: Lê Phương)

Thay vợ chồng con làm công nhân đứng trực cả đêm để nộp hồ sơ vào trường cho cô cháu gái, ông Phan Mạnh Kỷ (quê ở Quảng Ngãi) cho hay, nếu cháu không được vào học ở trường Sơn Ca thì gia đình sẽ khó khăn vô cùng trong việc gửi cháu. Gửi đến trường mầm non tư thục thì chi phí quá đắt đỏ, nơi rẻ nhất cũng phải 3 triệu đồng/tháng, lương hai con không kham nổi thì chắc chắn phải nhắm mắt gửi cháu đến các nhóm trẻ gia đình vì chi phí thấp nhưng loại lắm nguy cơ, thiếu an toàn cho con.

“Có nhiều vụ bạo hành trẻ em ở nhóm trẻ gia đình ở quận Thủ Đức rồi nên ai cũng muốn tìm được một suất học ở trường mầm non công lập cho con cháu. Vì phù hợp với điều kiện kinh tế, lại được đảm bảo an toàn. Sao mà trẻ em đến trường đi học thôi mà lại thiếu lớp thiếu trường đến nông nỗi này?”, ông Kỷ lắc đầu không hiểu.

Tỷ lệ tiếp nhận trẻ ở của các trường mầm non công tại nhiều địa bàn ở TPHCM cực kỳ thấp. Nhiều nơi chưa đến 30 - 50% số trẻ được học ở trường công lập nên nếu phụ huynh không nhanh chân thì sẽ bị “văng” ra ngoài. Mà ở đó họ chỉ có hai lựa chọn: trường tư thục hoặc nhóm trẻ gia đinh. Trường tư thì chi phí cao so với thu nhập của công nhân, lao động còn nhóm trẻ thì lắm bất an.

Ở quận Thủ Đức, năm học vừa rồi chỉ có khoảng 6.820 trẻ trong tổng số gần 25.000 trẻ được theo học ở các cơ sở công lập, còn lại phải “cậy” hết vào các cơ sở ngoài công lập. Địa bàn này lại tập trung đông người lao động nhập cư, công nhân… điều kiện của người dân rất khó khăn. Không vào được trường công, nhiều gia đình phải bấm bụng gửi con đến các nhóm trẻ gia đình hay cả các nhóm trẻ chưa được cấp phép hoạt động vì không đủ điều kiện kinh tế để gửi vào các trường mầm non tư thục.

Cũng vì từ nhu cầu thực tế trường học không đủ nên Thủ Đức luôn có hàng trăm điểm giữa trẻ không phép cùng hàng trăm nhân viên không có chuyên môn đang đang làm công việc nuôi dạy trẻ. Cho dù các nhóm trẻ này có cam kết với phường nhưng trẻ vẫn đối mặt với nhiều nguy cơ như không được chăm sóc tốt, không được đảm bảo an toàn…

Hơn nữa, ở Thủ Đức từng được xem là “điểm nóng” của nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra ở các nhóm trẻ. Ám ảnh nhất là vụ bạo hành ở nhà trẻ Phương Anh, nơi giáo viên, bảo mẫu đánh, tát, dốc ngược đầu trẻ, dọa nhúng đầu trẻ vào thùng nước… gây phẫn nộ và ám ảnh dư luận. Rồi vụ việc năm 2014, cũng ở địa bàn Thủ Đức, bảo mẫu H.N.N đạp vào bụng, ngực ngực một cháu bé 18 tháng làm cháu dập hai phổi, vỡ tim, vỡ gan rồi tử vong do đa chấn thương.

2chaychoconvaotruongbinhthuong
Không xin được vào trường công lập, nhiều đứa trẻ sẽ được gửi vào các nhóm trẻ gia đình, nhóm trẻ không phép khi gia đình không đủ điều kiện để để gửi ở trường tư thục (Ảnh: minh họa: Hoài Nam)

Không chỉ ở Thủ Đức, nhà một số quận huyện khác ở TPHCM người dân cũng gặp khó khăn trong việc tìm chỗ học mầm non ở trường công cho trẻ như quận Bình Tân, Gò Vấp, quận 7… Như ở quận Bình Tân, trường mầm non công lập chỉ đáp ứng được trên 25% số trẻ, còn lại phải học ở các trường mầm non tư, các nhóm trẻ.

Theo Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD-ĐT TPHCM, toàn thành phố cần bổ sung thêm 15.000 phòng học (tập trung nhiều nhất ở hai bậc mầm non và tiểu học) mới đáp ứng hết nhu cầu học tập của người dân.

Tuy nhiên, từ nay đến ngày 5/9/2016 chỉ có 1.929 phòng học mới được đưa vào sử dụng. Ngoài ra, theo kế hoạch xây dựng trung hạn từ nay đến hết năm 2020, TPHCM sẽ có thêm 300 dự án xây mới trường học, đáp ứng thêm 6.600 phòng học cho người dân.

Con số này là nỗ lực của thành phố nhưng còn quá “khiêm tốn” so với nhu cầu thật của người dân. Tốc độ xây dựng trường học còn quá chậm so với tốc độ tăng dân cư. Nhất là ở các địa bàn nhiều khu công nghiệp, đông dân nhập cư thì buộc phải “nhờ vả” rất nhiều vào trường tư cũng như cả… các nhóm trẻ trong việc tiếp nhận trẻ.

Ở một thành phố được xem là sôi động nhất nước nhưng trẻ em mầm non lại thiếu chỗ học là vấn đề nhức nhối đã được nhắc đi nhắc lại từ nhiều năm nay. Họ phải chen chúc, chạy vạy chỉ mong tìm được chỗ con con học ở một môi trường bình thường mà đâu hề dễ dàng.

Tác giả bài viết: Hoài Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP