Chi 3 tỷ USD mua nhà Mỹ: Cảnh báo "sóng ngầm" di cư tài sản nhà giàu Việt

Admin
Xung quanh chuyện người Việt móc hầu bao hơn 3 tỷ USD để mua địa ốc tại Mỹ, dư luận đặt câu hỏi phải chăng đây chỉ là kênh đầu tư đơn thuần hay một sự dịch chuyển khối tài sản của giới nhà giàu Việt đã và đang chuyển những giá trị của mình ra khỏi đất nước. Theo ông Đậu Anh Tuấn, đã đến lúc cần chú ý về những cơn sóng ngầm di cư tài sản của những người giàu Việt.

Phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Đậu Anh Tuấn, chuyên gia về môi trường Kinh doanh xung quan vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

 Ông Đậu Anh Tuấn, chuyên gia về môi trường kinh doanh Việt Nam

Ông nghĩ như thế nào về thông tin gần đây người Việt chuyển 3 tỷ USD để mua nhà ở Mỹ? Tính chất của việc chuyển tiền mua nhà của Mỹ có được xem là kênh đầu tư hay nơi trú chân của giới siêu giàu ở Việt Nam?

- Con số đó quả thực rất đáng phải suy nghĩ. Viêt Nam đã đứng thứ 6 trong năm 2016 và liên tục nằm trong top 10 các quốc gia có công dân mua nhà tại Mỹ, theo công bố của Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ.

Nhưng con số 3,06 tỷ USD để mua nhà trong một năm, đó là chỉ riêng ở Mỹ, chưa tính các quốc gia phát triển khác ở châu Âu, Bắc Mỹ hay châu Úc... Đó thực sự là con số lớn nếu so với con số 5,7 tỷ USD của bà con kiều bào đang đầu tư về Việt Nam qua gần 3.200 dự án từ trước đến nay (theo số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài).

Để kết luận đây có phải là kênh đầu tư yêu thích hay không thì chắc phải có nghiên cứu riêng nhưng điều dễ thấy là chưa bao giờ ở Việt Nam nở rộ các hội thảo tư vấn đầu tư định cư, đầu tư có quốc tịch... nhiều đến như vậy. Trong các cuộc gặp, nói chuyện với bạn bè làm doanh nhân, tôi thấy một trong những chủ đề quen thuộc hay được đem ra bàn là thể thức, thủ tục nhập quốc tịch các quốc gia...

Những người giàu ra đi thực sự là điều cần quan tâm. Việt Nam cần phải là đất nước để ai cũng muốn gắn bó trọn đời, yên tâm trao gửi sự nghiệp cho nhiều đời sau.

Có một số Doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam chấp nhận bán tài sản gầy dựng nhiều năm, có thương hiệu để mở DN mới tại Việt Nam hoặc một nước khác, trong đó việc di chuyển tiền và kế hoạch kinh doanh sang nước phát triển hơn đã xuất hiện, ông có nhận định gì về bản chất của hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam trong thời gian qua?

- Trong những năm qua, bên cạnh những thông tin tích cực về luồng vốn FDI vào Việt Nam, ít ai để ý đến một xu hướng ngược chiều, nhiều thương hiệu Việt khá thành công đã được những tập đoàn nước ngoài mua lại qua những phi vụ M&A (mua bán sáp nhập).

Đằng sau những phi vụ M&A thành công kia, có bao nhiêu những người chủ Việt tiếp tục kinh doanh tại Việt Nam? Bao nhiêu người không còn ao ước phát triển sản nghiệp, thương hiệu truyền đời? M&A để có vốn chuyển hướng kinh doanh, đầu tư mới là một tín hiệu lành mạnh. Nhưng M&A để rút lui, để đi mua bất động sản ở các nước tiên tiến lại là một xu hướng đáng lo ngại.

Liệu đã đến lúc cần chú ý về những cơn sóng ngầm di cư của những người giàu, những doanh nhân thành công tại Việt Nam? Lý do nhiều doanh nhân muốn ra đi là gì? Họ tìm thấy những cơ hội kinh doanh tốt hơn ở nước ngoài? Hay họ có mối lo dần lớn, cảm thấy không yên tâm về môi trường kinh doanh và làm ăn hiện nay?

Họ lo lắng về sự đi xuống của chất lượng môi trường sống? Hay họ muốn con cái và gia đình tương lai sau này thụ hưởng cuộc sống có chất lượng giáo dục và môi trường tốt hơn?...

Giữa bối cảnh Việt Nam đang muốn cải cách để thu hút vốn đầu tư nước ngoài thì dòng tiền trong nước di chuyển ra nước ngoài có thực sự đáng lo ngại ?. Nhưng có lẽ không chỉ là môi trường kinh doanh, môi trường sống, môi trường giáo dục, văn hóa có lẽ cũng phải được cải cách mạnh mẽ để "những người giàu", nhân tài, những doanh nhân Việt không di cư ?

- Cần để ý thông tin Việt Nam đã nằm trong top 10 quốc gia di cư nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tổ chức Di cư quốc tế (IMO) cho biết từ năm 1990 đến 2015, có trên 2,55 triệu người Việt di cư ra nước ngoài (trung bình mỗi năm gần 100.000 người).

Trong con số này có lượng người Việt Nam ra nước ngoài học tập, làm việc, có những người phụ nữ đi lấy chồng, có thực trạng buôn bán người qua biên giới. Những người giàu ra đi cũng thực sự là điều cần quan tâm. Hiện nay tôi chưa thấy trong phân loại của các cơ quan Nhà nước có liên quan. Có lẽ đã đến lúc cần thống kê.

Tôi nghĩ rằng, doanh nhân, người giỏi cần một môi trường kinh doanh thuận lợi nhưng phải ổn định và an toàn. Tài sản, sản nghiệp của họ phải được đảm bảo chắc chắn. Việt Nam hơn lúc nào hết cần cải cách hệ thống tư pháp mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ quyền tài sản của người dân, không hình sự hóa các giao dịch kinh tế - dân sự.

Các chính sách phải nhất quán, thống nhất, không thể để tình trạng một ngành hàng đang kinh doanh thuận lợi nhanh chóng rơi vào bĩ cực vì chính sách thay đổi. Không chỉ là nơi để kinh doanh, muốn Việt Nam là một chốn sống yên bình thì cần phải bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn xã hội. Giáo dục và y tế cần phát triển cũng là nhiệm vụ cấp bách. “Đất lành chim đậu”, Việt Nam cần phải là đất nước để ai cũng muốn gắn bó trọn đời, yên tâm trao gửi sự nghiệp cho nhiều đời sau.

Xin trân trọng cảm ơn ông!