Sau 12 năm làm tài xế xe buýt, anh Đỗ Viết Nam (SN 1977, tài xế xe buýt số 86, Xí nghiệp xe buýt Yên Viên, Tổng công ty Vận tải Hà Nội) cho biết, anh đã từng gặp và chứng kiến rất nhiều chuyện trái ngang. Có nhiều phụ xe và lái xe từng bị đánh, phải nhờ công an can thiệp chỉ vì làm đúng theo lương tâm và phận sự của mình.
“Ví dụ như chuyện yêu cầu nhường ghế trên xe buýt, chuyện nghe đơn giản nhưng lại rất dễ xảy ra mâu thuẫn”, anh Nam nói.
"Trong nhiều trường hợp nếu phụ xe không khéo léo và kết hợp tốt với lái xe thì không những không được việc mà còn mang vạ vào thân". Ảnh: Nhật Linh |
Theo anh Nam, khi lên xe, các thanh niên thường nhắm mắt ngủ hoặc đeo tai nghe để không bị làm phiền. Khi có hành khách cần được nhường ghế, phụ xe phải tới tận nơi, vỗ vai và xin ý kiến. Tuy nhiên nhiều người không hài lòng. Họ thắc mắc vì họ cũng bỏ tiền mua vé. Khi đó nếu phụ xe không khéo léo và kết hợp tốt với lái xe thì không những không được việc mà còn bị mang vạ vào thân.
“Bởi vậy nên dẫn đến trường hợp nhiều phụ xe bị đánh. Có người bị phục và đánh khi vừa trả xe, có người còn bị đánh ngay trên xe buýt", anh Nam chua chát nói. Tuy vậy theo anh Nam, bên cạnh những vị khách khó ưa, có rất nhiều khách tốt bụng, tâm lý.
Anh Nam cho biết, trong 12 năm làm việc, có một thời gian khá dài anh lái tuyến buýt 54 (khởi hành từ trạm trung chuyển Long Biên đến Thành phố Bắc Ninh và ngược lại).
“Các khách đi xe ở Bắc Ninh rất tình cảm. Ngày lễ, ngày Tết, không bao giờ họ quên nhà xe. Họ tặng chúng tôi bánh chưng, bánh nướng, bánh dẻo. Có khách còn tìm hiểu xem gia đình lái xe có mấy con, phụ xe có mấy con rồi gửi tiền lì xì cho các cháu… Cánh đàn ông thậm chí còn mang rượu lên xe và mời nhà xe trong ngày khởi hành đầu năm. Tuy nhiên vì đảm bảo an toàn cho hành trình nên chúng tôi phải từ chối khéo léo”, anh Nam cho biết.
“Rất nhiều khách còn viết thư gửi về xí nghiệp để cảm ơn các lái xe, phụ xe mà họ yêu quý. Nhiều người còn bày tỏ lòng biết hơn vì đã giúp họ lấy lại tài sản giá trị mà họ đã mất”, anh Nam nói tiếp.
Anh Nam kể, trước đó, trên tuyến xe buýt 86 (khởi hành từ ga Hà Nội đến sân bay Nội bài và ngược lại), một phụ xe đã rất bất ngờ khi nhặt được chiếc ba lô của khách để quên trên xe.
“Tuyến buýt hôm đó chạy từ hướng sân bay Nội bài về Hà Nội. Sau khi mở chiếc ba lô màu đen, cả lái xe, phụ xe và nhân viên xí nghiệp hoảng hốt khi thấy bên trong, ngoài những vật dụng cá nhân, giấy tờ tùy thân còn có 6.300 USD và hai sổ đỏ”, anh Nam nói.
Nhận thấy trong ba lô chứa số tiền lớn và tài sản giá trị, lái xe và phụ xe đã thông báo về đường dây nóng của xí nghiệp. Đồng thời, xí nghiệp cũng đăng tải thông tin lên mạng xã hội. Vì thế vị khách đã nhanh chóng đến nhận lại đồ và cảm ơn nhà xe.
Vị tài xế cho biết, đó là vị khách nữ quê ở Đà Lạt, Lâm Đồng. Sau khi biết người đang nắm giữ ba lô có chứa tài sản của mình, vị khách đến thẳng xí nghiệp xe buýt để nói lời cảm ơn và nhận lại. Lúc này, chị vẫn run rẩy vì chưa tin tài sản giá trị của mình đã quay trở về.
Theo anh Nam, các tuyến buýt đều có quy trình rất rõ ràng, khi phát hiện khách để quên đồ, lái xe hoặc phụ xe sẽ phải báo về đường xây nóng của xí nghiệp. Sau đó, đồ để quên của khách sẽ được để ở ga, người điều hành ở đó sẽ nhận và xác minh.
Nếu khách đến nhận trong ngày thì sẽ trao trả luôn tại đó. Nếu không, tài sản sẽ được chuyển về xí nghiệp, xí nghiệp sẽ lưu giữ và bàn giao cho khách khi khách tìm nhận lại.
Tài xế Đỗ Viết Nam (SN 1977, hiện là tài xế xe buýt số 86, Xí nghiệp xe buýt Yên Viên, Tổng công ty Vận tải Hà Nội) |
Anh Nam cũng khẳng định, trên xe buýt, việc khách bỏ quên đồ và được nhận lại là chuyện rất thường xuyên. Các lái xe và phụ xe luôn có ý thức giúp đỡ khách trong các tình huống có thể. Anh Nam cũng nhớ lại chuyến xe buýt cách đây hai tuần khi anh lái xe buýt số 86 đón khách ở điểm chờ hồ Hoàn Kiếm.
“Tại điểm chờ này có hai vị khách người nước ngoài lên xe. Tuy nhiên, đi đến điểm chờ tiếp theo của hành trình thì hai vị khách này phát hiện để quên ba lô ở điểm chờ hồ Hoàn Kiếm. Họ cầu cứu lái xe và phụ xe. Nhưng vì không thể quay đầu nên tôi khuyên họ nên xuống xe để bắt xe ôm quay lại tìm.
Trường hợp khác, tôi sẽ điện thoại cho phụ xe của xe kế tiếp xuống điểm chờ đó hỏi người bảo vệ bưu điện (bên cạnh điểm chờ ở hồ Hoàn Kiếm là chỗ để xe của bưu điện, hàng ngày người bảo vệ xe thường ngồi gần đó). Hai vị khách tây nghe vậy, họ đồng ý chờ đợi vì sợ quay lại sẽ không kịp giờ làm thủ tục sân bay.
May mắn tại điểm chờ, người bảo vệ bưu điện thấy chiếc ba lô bị bỏ quên, anh ta cất đi và khi phụ xe buýt đến hỏi, anh ta đã trao trả lại”, anh Nam kể.
Theo anh Nam, làm việc trong nghề vận tải, anh được gặp và tiếp xúc với nhiều kiểu người. Tuy nhiên anh khẳng định, những thành phần bất hảo, thiếu văn hóa, thích gây sự chiếm tỉ lệ không nhiều. Phần lớn mọi người đều rất tốt và rất có ý thức với cộng đồng.
(Còn nữa)