Chiến dịch dùng cà rốt giấu công nghệ radar của tình báo Anh

Lợi Trần
Để che giấu bí mật công nghệ radar trước phát xít Đức, tình báo Anh đã tung ra chiến dịch tuyên truyền về sức mạnh thần kỳ của củ cà rốt.
"Thị lực ban đêm có thể là vấn đề sống chết" - áp phích tuyên truyền cổ vũ việc ăn cà rốt của Anh trong Thế chiến II. Ảnh: Smithsonianmag.

Ngày nay, rất nhiều người tin rằng ăn thật nhiều cà rốt sẽ giúp có đôi mắt sáng tinh tường. Quan niệm này có thể xuất phát từ một trong những chiến dịch tuyên truyền thành công nhất của tình báo Anh về sức mạnh thần kỳ của củ cà rốt, nhằm che giấu những bí mật quân sự góp phần đánh bại phát xít Đức trong Thế chiến II, theo tạp chí Smithsonianmag.

Khoa học đã chứng minh cà rốt chứa lượng lớn vitamin A tốt cho đôi mắt, nhưng không thể giúp người bình thường tăng thị lực. Tuy nhiên, tình báo Anh đã khiến cho người dân cả nước lẫn kẻ thù phải tin rằng cà rốt có thể giúp họ có đôi mắt "tinh như cú vọ" bằng chiến dịch tuyên truyền tung hỏa mù của mình. 

Trong chiến dịch Blitzkrieg năm 1940, không quân Đức tăng cường chiến dịch không kích, lợi dụng đêm tối điều máy bay đánh bom các mục tiêu quan trọng ở Anh. Để đối phó, chính phủ Anh quyết định cắt điện ở các thành phố lớn vào ban đêm để máy bay Đức khó quan sát mục tiêu.

Trong chiến dịch này, Không quân Hoàng gia Anh (RAF) có thể đẩy lùi máy bay Đức một phần là nhờ công nghệ radar bí mật mới có tên Radar Đánh chặn Đường không (AI) lắp trên chiến đấu cơ từ năm 1939, có khả năng xác định các oanh tạc cơ địch trước khi chúng tiếp cận eo biển Manche.

Để giữ bí mật về công nghệ radar rất quan trọng này, tình báo Anh quyết định khiến người dân lẫn quân Đức tin rằng phi công của họ có thị lực tuyệt vời có thể phát hiện máy bay địch từ xa, và tất cả là nhờ cà rốt.

Năm 1940, phi công tiêm kích đêm John Cunningham là người đầu tiên sử dụng công nghệ radar AI bắn hạ một chiến đấu cơ Đức. Sau đó, phi công này lập chiến công ấn tượng, diệt 20 máy bay địch, trong đó có 19 chiến đấu cơ bị bắn hạ trong đêm. Bộ Thông tin Anh đã nói với báo giới rằng các phi công của họ đạt được chiến công tuyệt vời như vậy là nhờ ăn rất nhiều cà rốt để có thị lực hơn người.

 
Phi công John Cunningham được quảng bá là có thị lực ban đêm tuyệt vời nhờ ăn nhiều cà rốt. Ảnh: Telegraph

Mục đích của tình báo Anh khi tung ra thông tin trên là khiến các chiến lược gia Đức mất thời gian tìm hiểu điều không có thực, theo John Stolarczyk, giám đốc Bảo tàng Cà rốt Thế giới.

"Câu chuyện về việc phi công Anh có thị lực vượt trội nhờ ăn cà rốt ấn tượng đến mức có tin cho rằng không quân Đức tin sái cổ và cũng bắt đầu cho phi công của mình ăn nhiều cà rốt để đối phó với quân Anh", Stolarczyk nói.

Trong khi đó, báo chí, đài phát thanh của Anh đều tuyên truyền rằng ăn nhiều cà rốt sẽ giúp người dân nhìn đường tốt hơn ở khu vực thành phố bị cắt điện khi đêm xuống. Các tờ quảng cáo với khẩu hiệu "Cà rốt tốt cho sức khỏe và giúp bạn nhìn rõ trong đêm" xuất hiện ở mọi nơi.



Ngoài tác dụng che giấu công nghệ vũ khí, chiến dịch tuyên truyền này còn góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực ở Anh trong thời chiến. Khi tàu ngầm Đức phong tỏa các tàu tiếp tế lương thực ở ngoài khơi, nước Anh lâm vào tình trạng khan hiếm thực phẩm nghiêm trọng.

Để giải quyết cuộc khủng hoảng này, chính phủ Anh vận động người dân quay sang sử dụng các loại rau củ quả dễ trồng, dễ kiếm, điển hình như cà rốt. Chiến dịch tuyên truyền trên đã có tác động mạnh mẽ, khiến người Anh thời kỳ đó "phát sốt" vì cà rốt.

"Đây là một cuộc chiến tranh lương thực. Việc ăn thêm rau củ trong khẩu phần ăn giúp giảm bớt gánh nặng vận chuyển đường biển. Cuộc chiến trên mặt trận nhà bếp không thể thắng lợi nếu không có sự hỗ trợ từ khu vườn nhà. Dành một giờ ở vườn vẫn tốt hơn một giờ xếp hàng mua thực phẩm", Lord Woolton, bộ trưởng Lương thực Anh, tuyên bố năm 1941.

Cũng trong năm này, Bộ Lương thực Anh phát động "Chiến dịch Trồng vườn để Chiến thắng" qua các phim hoạt hình như "Tiến sĩ Cà rốt" và "Pete Khoai tây" để khuyến khích người dân ăn nhiều rau củ tự trồng hơn. Cà rốt được quảng cáo là chất tạo ngọt cho món tráng miệng khi nguồn cung đường thiếu hụt trầm trọng.

 
Áp phích tuyên truyền về Pete Khoai tây và Tiến sĩ Cà rốt ở Anh năm 1941. Ảnh: Smithsonianmag

Chương trình "Mặt trận Nhà bếp" của đài BBC gợi ý các cách chế biến thực đơn mới từ món cà rốt trở thành một trong những chương trình phát thanh được yêu thích nhất thời kỳ đó. Theo Stolarczyk, chiến dịch quảng bá về công dụng thần kỳ của cà rốt thành công tới mức nước Anh dư thừa tới 100.000 tấn cà rốt vào năm 1942.

Tác giả bài viết: Duy Sơn