Phối cảnh dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam - Ảnh minh họa AI |
Nhấn mạnh sự cần thiết đầu tư, Chính phủ cho rằng việc triển khai dự án để hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng về phát triển hạ tầng giao thông hiện đại, với đường sắt là phương thức quan trọng.
Việc xây dựng tuyến đường sẽ rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền, giảm áp lực tập trung dân số và quá tải hạ tầng ở đô thị lớn, mở ra không gian phát triển kinh tế, khai thác hiệu quả quỹ đất...
Chuyển rủi ro sang khu vực tư là không hiệu quả
Cùng đó, tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam. Việc đầu tư tuyến đường cũng giúp tạo ra thị trường xây dựng với 33,5 tỉ USD, hàng triệu việc làm. Với phương thức vận tải bền vững, hiện đại góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường...
Trên cơ sở đó, tờ trình của Chính phủ đề xuất, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có điểm đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi); điểm cuối tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm). Dự án có tổng chiều dài khoảng 1.541km với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa, đường sắt tốc độ cao dự kiến đi qua 20 địa phương với tuyến "thẳng nhất có thể".
Đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Tuyến đường được xây dựng với sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục, với tổng mức đầu tư sơ bộ là 1,713 triệu tỉ đồng (khoảng 67,34 tỉ USD).
Từ quy mô kinh tế, khả năng huy động vốn, đảm bảo dự án thành công, Chính phủ đề xuất hình thức đầu tư công.
Dẫn chứng từ thực tiễn 27 dự án trên thế giới, tờ trình nêu rõ việc đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) không có hiệu quả hơn đầu tư công.
"Việc chuyển rủi ro sang khu vực tư nhân là không hiệu quả", Chính phủ cho hay một số quốc gia đầu tư theo phương thức PPP nhưng không thành công, phải quốc hữu hóa hoặc phải nâng mức hỗ trợ của nhà nước với các dự án PPP lên rất cao như Đài Loan (Trung Quốc).
Ngoài ra, một số dự án trên thế giới áp dụng phương thức PPP nhưng phạm vi đầu tư chủ yếu là các khu thương mại, nhà ga trung tâm hoặc đầu tư phương tiện khai thác một số đoạn tuyến hiệu quả, theo Chính phủ.
Nguồn lực đầu tư không còn là trở ngại lớn
Với quy mô của nền kinh tế Việt Nam năm 2023 đạt 430 tỉ USD, nợ công ở mức thấp khoảng 37% GDP. Dự kiến thời điểm triển khai xây dựng vào năm 2027, quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỉ USD nên nguồn lực để đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Vì vậy, Chính phủ cho rằng nguồn lực đầu tư "không còn là trở ngại lớn".
Theo đó, dự kiến nguồn vốn ngân sách bố trí trong khoảng 12 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỉ USD. Mức vốn bố trí mỗi năm này tương đương khoảng 16,2% kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.
Nếu giữ nguyên tỉ lệ đầu tư công trung hạn chiếm 5,5 - 5,7% GDP như hiện nay; khoảng 1,3% GDP năm 2023, khoảng 1,0% GDP năm 2027 (khởi công dự án).
Vì vậy, trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp, Chính phủ kiến nghị sử dụng nguồn vốn trong nước để đầu tư, tránh phụ thuộc vào các điều kiện ràng buộc các khoản vay vốn ODA. Trường hợp có các nhà tài trợ cung cấp khoản vay chi phí thấp, ít ràng buộc, sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sử dụng nguồn vốn này.
Theo Chính phủ, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới có thể cân đối đầu tư dự án, tác động không lớn đến các công trình quan trọng quốc gia khác. Đồng thời, các chỉ tiêu tài chính khi đầu tư dự án và từ khai thác quỹ đất sẽ cải thiện nguồn thu nên có khả năng cân đối vốn để triển khai xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.